MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tác giả và tác phẩm :: tiến sĩ tâm lý trần mỹ duyệt
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Linh Mục Không Phải Là Chuyên Gia Tâm Lý!! --- Trần Mỹ Duyệt
Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 1-2017
LINH MỤC KHÔNG PHẢI LÀ CHUYÊN GIA TÂM LÝ!!

Trần Mỹ Duyệt

 

 

Linh mục được đào tạo, huấn luyện để phục vụ Chúa, phục vụ Giáo Hội, và các linh hồn. Trong sứ mệnh giúp đỡ các tín hữu, đương nhiên linh mục cũng cần phải hiểu biết và có trách nhiệm giúp đỡ họ về ơn gọi và đời sống hôn nhân. Nhưng coi chừng, trong khi giúp đỡ, hóa giải những khó khăn về tình yêu, hôn nhân và gia đình cái bẫy sập đang chờ đón cả linh mục và người được giúp đỡ, đặc biệt, những người đến với linh mục là phụ nữ.

 

Điều này được viết lên với tâm tình rất chân thành mong sao các linh mục hiểu để tự giới hạn và kiềm chế, cũng như những ai đang đặt kỳ vọng nơi các linh mục cần biết về sự khác biệt và giới hạn giữa vị linh mục và một chuyên gia tâm lý cả trong tòa giải tội cũng như trong các cuộc tiếp xúc riêng tư. Những trường hợp linh mục sa ngã vì có liên quan đến những cuộc gặp gỡ, khuyên bảo hay counseling như vậy không ít. Đau khổ và tồi tệ nhất nếu xảy ra là khi vị linh mục đó ngả vào vòng tay của người mà mình đang giúp đỡ dẫn đến hậu quả là phá vỡ hạnh phúc hôn nhân của người khác, và thêm một trọng tội cho đời thánh hiến. Đã có trường hợp người chồng định mang súng đến thanh toán vị linh mục vì cho rằng đã quyến rũ vợ của mình cũng như làm tan vỡ hạnh phúc hôn nhân gia đình của mình.

 

Ngoài ra, trong những trường hợp khi hôn nhân bị sóng gió, tình cảm được vuốt ve, đặc biệt là nữ giới, những ý kiến dù là sai của linh mục vẫn được coi trọng, vẫn được xem như một chiếc phao cho người đang chới với, đang vùng vẫy giữa dòng. Đây cũng là lý do khiến cho nhiều cuộc hôn nhân thay vì được hàn gắn lại trở nên rạn nứt và đổ vỡ.

  

Thật ra, không thiếu những linh mục có kinh nghiệm về tình yêu, hôn nhân, và gia đình; cũng như không thiếu những linh mục có học vị tiến sỹ tâm lý. Nhưng cần hiểu rằng khả năng tâm lý ấy chỉ hữu hiệu khi những linh mục này khuyên giải, và hướng dẫn những người đang gặp khủng hoảng theo chiều hướng tâm linh là giúp họ tìm và hiểu ra những giá trị cao quí của ơn gọi, đồng thời giúp hàn gắn những đổ vỡ nhằm duy trì và phát triển đời sống hôn nhân. Do đó, nếu linh mục lại quên mình là linh mục mà đóng vai một tâm lý gia chuyên nghiệp, thì theo kinh nghiệm, rất khó cho cả người đến với linh mục, cũng như cho chính vị linh mục. Trên thực tế, tôi cũng quen biết vài linh mục hành nghề tâm lý nhưng là sau khi các vị này hồi tục, không còn là linh mục nữa. Hoặc cũng có những linh mục làm counselor, bác sỹ trị liệu cho các nhà thương, các đoàn thể xã hội, nhưng không mấy ai mở văn phòng chuyên về tình yêu, hôn nhân và gia đình.  

 

Sau đây là một trong nhiều trường hợp mà những ngộ nhận về sự không chuyên môn, nhưng lại muốn cường điệu của một linh mục:

 

Trong khi gặp khủng hoảng về hôn nhân, người vợ đã tỏ ra ghen tương và tìm cách khống chế chồng mình. Cô đã buồn khổ, khóc lóc, và như thất vọng vì cho rằng cả năm nay rồi mà chồng cô vẫn không thấy thay đổi gì. Trong con mắt của cô, chồng cô có rất nhiều khuyết điểm mà cái khuyết điểm lớn nhất là không làm theo ý cô, không sửa mình, và không hoán đổi theo như cô mong muốn. 

 

Để có thêm người đứng về phía mình, cũng như để tự an ủi mình, cô đã tham dự nhiều cuộc hội thảo về tình yêu, về hôn nhân, và về gia đình. Cô cũng đã tìm đến một vài văn phòng bác sỹ tâm lý, trong đó có cả những vị linh mục. Dĩ nhiên, cô đã tìm đến với Chúa và Đức Mẹ nữa. Với Chúa và Đức Mẹ, ngày đêm cô van xin, khóc lóc xin ơn cải thiện cho chồng cô, và ơn giúp chồng cô biết cách sửa đổi theo ý cô. Tuyệt nhiên, cô không xin cho mình cũng biết cách thích nghi, thay đổi để làm thế nào cô có thể sống bằng an và hòa thuận với chồng.

 

Trong số các linh mục mà cô đã gặp, có một vị tự cho mình được huấn luyện từ những trường sở nổi tiếng và chuyên môn tâm lý, đã có nhiều kinh nghiệm trong việc khải dẫn về hôn nhân, gia đình nên đã khuyên cô thế này: “Nếu con thấy chồng con có dấu hiệu hoặc hành động ngoại tình mà khiến cho con phải chịu đựng như vậy thì cứ để hắn ta đi đi theo ý hắn muốn. Con là lá ngọc cành vàng, là người phụ nữ trẻ đẹp, có học thức, người vợ đạo đức, đàng hoàng thì trước sau gì chồng con cũng sẽ phải trở về với con. Con nên nhớ lại bài học đứa con hoang đàng trong Phúc Âm. Chồng con cũng vậy, chừng nào không còn cám heo ăn nữa, nó tự động sẽ về”.

 

Lời khuyên xem ra hợp ý cô, và cũng có lẽ nó đã ve vuốt phần nào cái tôi của cô nên khiến cô cảm thấy rất được an ủi. Cô đã ca tụng vị linh mục này không tiếc lời. Theo cô, đó mới là điều mà cô muốn tìm kiếm. Cô không cần phải làm gì cả, nhưng cứ ngồi chờ đến một lúc nào đó chồng cô sau khi đã thân tàn ma dại, bị bỏ rơi hất hủi sẽ tự động quay về với cô, và lúc ấy cô sẽ tùy tiện sai khiến.

 

ới cái nhìn đạo đức và tâm lý thì đây quả thật là một lời khuyên, một ý kiến rất phản đạo đức, rất phản tâm lý! Một người bình thường cũng không ai khuyên người khác hoặc bạn mình “cứ để chồng đi đi… chừng nào không còn cám heo ăn nữa, nó tự động sẽ về”. Một lời khuyên không tìm đâu ra hình bóng của tình yêu và đạo đức. Khi một người vợ, nếu biết chồng mình ngoại tình mà cứ để cho muốn đi thì đi chừng nào chán chê thì về; hoặc nhìn chồng bị những người phụ nữ khác bỏ rơi sau khi đã lợi dụng mà không làm một cái gì để ngăn cản, để giữ lấy và để giúp cho chồng có cơ hội bừng tỉnh, hoàn lương thì tính đạo đức và tình yêu của người vợ này ở đâu?   

 

Và câu hỏi là đến bao giờ thì người đàn ông, người chồng ấy sẽ về; đặc biệt, nếu đó là một người đang có tiếng tăm, có dư thừa tiền bạc. Trước, sau, bên phải, bên trái người này là những thiếu nữ mặn mà hương sắc và tài năng đang mong được ông đý tới. Như vậy liệu những phụ nữ này có quảng đại để trả người đó về cho vợ của ông ta sau khi ông đã lọt vào vòng tay của họ không? Với cái nhìn tâm lý và xã hội thì sẽ chẳng bao giờ chuyện buông tha như thế xảy ra một cách dễ dàng. Tú Xương là người có kinh nghiệm này khi ông tự thú:

 

“Một trà, một rượu, một đàn bà

Ba cái lăng nhăng nó quấy ta

Chừa được thứ nào hay thứ ấy

Có chăng chừa rượu với chừa trà”.

 

Như vậy, theo Tú Xương cái khó không phải là do những phụ nữ kia, mà là do những người đàn ông trong trường hợp này không muốn từ bỏ, không muốn quay về. Đó là chưa kể đến nền tảng của hai chữ chung thủy đã bị con người thời nay bỏ quên hoặc đang bị lung lay tận gốc rễ!

 

Mặt khác trong lãnh vực tâm linh, chắc Chúa sẽ không sửa đổi hoặc làm lại một tác phẩm mà Ngài đã hoàn thành một cách tốt đẹp để chiều theo ý một người khác. Tại sao Chúa phải sửa đổi một người để làm vui lòng một người khác. Có bao giờ một họa sỹ tài danh trong khi triển lãm một tác phẩm ưng ý nhất của mình lại phải lấy xuống, sửa lại, vẽ lại theo ý một người nào đó?

 

Còn xét về mặt chuyên môn, lời khuyên tối thiểu trong trường hợp này của vị linh mục phải là: “Nếu bà muốn chồng bà sửa đổi, thì liệu bà có cần sửa đổi gì cho phù hợp với cuộc sống hôn nhân hiện nay của hai người không?” Hoặc “Bà có nghĩ là công bằng nếu bà chỉ đòi hỏi chồng bà sửa đổi, còn về phần bà thì không cần phải sửa đổi gì không?” Trên đời này: “Không ai tốt một trăm phần trăm, và cũng không ai xấu một trăm phần trăm.” (Baden Powell). Nhưng thật là bất công nếu chỉ đòi hỏi người khác sửa đổi mà mình không sửa đổi.

 

Sửa đổi “theo ý tôi”. Đây mới là yếu tố khiến gia đình và đời sống hôn nhân của cô gặp phải sóng gió. Cô tự ty và tiêu cực đến không muốn vươn lên, không muốn có một sự đổi đời để mang lại hạnh phúc cho hôn nhân của mình. Dĩ nhiên, còn nhiều yếu tố khác nhau về tâm sinh lý, ảnh hưởng giáo dục, tâm linh, nhân sinh quan, vũ trụ quan, triết lý sống giữa hai người, vậy làm sao để sửa được một người chồng hoặc người vợ theo ý mình. Nhiều khi chính cô cũng không hiểu mình, không biết mình muốn gì thì làm cách nào chồng cô biết để mà chiều theo? “Đàn bà thay đổi như thời tiết.” Nếu nhận định này đúng, thì việc một người chồng chạy theo ý vợ mình càng không dễ dàng thực hiện. 

 

Viết về những lời khuyên đại loại như trên khiến tôi nhớ lại một lời khuyên khác của một linh mục đã cố vấn cho một phụ nữ khi người này đau khổ vì bị chồng hành hung, đánh đập. Sau đây xin diễn tả thanh thoát lời vị linh mục này mà nguyên văn không tiện viết ra: “Muốn chồng yêu, thì hãy về vuốt ve, ân ái và chiều chuộng nó cho nó sung sướng lên”. Vị linh mục có ý nói về sinh hoạt tình dục, cách thức mà người vợ cần làm để thỏa mãn chồng, hy vọng chiếm đoạt được tình yêu của chồng. Nhưng tiếc thay, nguyên nhân của việc hành hung chính là vì người chồng muốn có tiền để đi đánh bạc. Đó là lý do tại sao lời khuyên ấy đã trở thành một giấc mơ kinh hoàng (nightmare) cho người phụ nữ này mà mãi đến bây giờ mỗi khi nhớ lại bà còn cảm thấy hoang mang, sợ hãi.

 

Do tính “cường điệu” của một số linh mục khi cố vấn và khuyên bảo về hôn nhân, gia đình mà đã và đang gây ra những hậu quả tiêu cực, tai hại cho cả hai phía. Không phải hễ là linh mục thì biết hết mọi thứ. Không phải hễ là linh mục thì muốn lao vào những dịp cám dỗ hiểm nghèo như thế nào cũng được Chúa gìn giữ! Trong thực tế, có nhiều lời khuyên, nhiều ý kiến, và nhiều hoàn cảnh mà vị linh mục chẳng những không giúp gì cho các cuộc hôn nhân, ngược lại, còn phá vỡ, gây chia rẽ, và nguy hiểm cho ơn gọi của mình.

 

Tóm lại, là những Kitô hữu chân chính, chúng ta nên dành cho các linh mục lòng yêu mến, sự kính trọng xứng đáng với thánh chức. Đồng thời nên tuân theo sự hướng dẫn tâm linh, đạo đức của các vị.

Tuy nhiên, trong những lãnh vực chuyên môn khác, thí dụ, về vấn đề tình yêu, hôn nhân và gia đình thì cũng cần phải khôn ngoan và thận trọng.

Đơn giản vì phần đông các linh mục không phải là những chuyên gia tâm lý, nhất là họ không được đào tạo để hành nghề bác sỹ tâm lý hôn nhân gia đình.

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Đang Đi Trong Cõi Diệu Quang --- Trần Mỹ Duyệt (3/4/2017)
Tiếng Ngáy Làm Tôi Yên Tâm --- Trần Mỹ Duyệt (2/26/2017)
Những Hướng Dẫn Phụ Huynh Cần Biết Trong Việc Giáo Dục Con Cái (2/20/2017)
Não Trạng “cha Là Chúa” --- Trần Mỹ Duyệt (2/12/2017)
Lý Do Sinh Lý Quan Trọng Đối Với Chồng Bạn --- Trần Mỹ Duyệt (2/12/2017)
Tin/Bài khác
Quan Niệm Của Linh : Vợ Chồng Tôi Đều Không Thích Có Con (10/25/2016)
Linh Hồn (9/23/2016)
Tha Thứ: Yếu Tố Ðem Lại Hạnh Phúc --- Một Ứng Dụng Của Tâm Lý Đạo Đức (7/27/2016)
Ly Dị Có Phải Là Giải Pháp Tốt Nhất Của Hôn Nhân?! (7/7/2016)
Anh Khiến Tôi Quá Thất Vọng! (6/9/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768