MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tài liệu về đức mẹ :: lễ kính đức mẹ trong năm :: ___ lễ mẹ vô nhiễm (8/12, tín điều)
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Dâng Mình Và Phó Thác Mình Cho Đức Mẹ, Gm Gb Bùi Tuần
Thứ Bảy, Ngày 8 tháng 12-2018

DÂNG MÌNH VÀ PHÓ THÁC MÌNH CHO ĐỨC MẸ, Gm GB BÙI TUẦN

Dâng mình cho Đức Mẹ là một cách phó thác mình cho Đức Mẹ. Khi phó thác mình cho Đức Mẹ, tôi có thể trình bày nỗi lòng mình cho Mẹ. Tôi nói với Mẹ, như để vơi đi nỗi lòng người con thơ dại, nhưng sau cùng là để Mẹ ủi an và dẫn dắt theo như Mẹ muốn.

1. Ngày mồng 8 tháng 12 là lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Dịp này, Chúa thôi thúc tôi hãy dâng mình và phó thác mình cho Đức Mẹ một cách khẩn thiết và sốt sắng, trong tâm tình hiệp thông với toàn thể Hội Thánh toàn cầu nói chung và Hội Thánh tại Việt Nam nói riêng.

2. Lý do là tại nhiều nơi, tình hình đang lâm nguy, hoặc sắp lâm nguy. Lâm nguy đó sẽ lan rộng. Cứu tình hình đó là cứu chính mình.

Trước viễn cảnh đó, Đức Mẹ được Chúa giới thiệu là Đấng mà mọi con cái Chúa có thể và nên phó thác.

3. Dâng mình cho Đức Mẹ là một cách phó thác mình cho Đức Mẹ.

Khi phó thác mình cho Đức Mẹ, tôi có thể trình bày nỗi lòng mình cho Mẹ. Tôi nói với Mẹ, như để vơi đi nỗi lòng người con thơ dại, nhưng sau cùng là để Mẹ ủi an và dẫn dắt theo như Mẹ muốn.

4. Đức mẹ luôn muốn những gì Chúa muốn .Thánh ý Chúa lại thường rất khác ý muốn của con người chúng ta.

Chính vì thế, mà phó thác mình cho Mẹ đòi tôi phải sẵn sàng từ bỏ ý riêng mình, để vâng phục thánh ý Chúa.

5. Theo kinh nghiệm đời tu, tôi thấy việc phó thác nhấn mạnh đến từ bỏ cái tôi, để thuận theo ý Chúa, luôn là một cuộc chiến nội tâm gay gắt.

6. Thường thì tôi cũng như nhiều người phó thác, chẳng bao giờ dám có ý chống lại thánh ý Chúa. Nhưng chỉ tìm cách dối mình, coi ý mình cũng hợp ý Chúa. Dối mình bằng những ảo tưởng khoác áo đạo đức bề ngoài, nhưng bên trong vẫn nặng cái tôi ích kỷ.

Đôi khi cái tôi đó cũng không đến nỗi phải gọi là ích kỷ, nhưng thiếu thận trọng. Ở đây, tôi nhớ lại lời khuyên chân thành mà cha linh hồn của Charles de Foucauld đã gửi cho Charles: “Hãy coi chừng lòng nhiệt thành của Cha, hãy rất thận trọng”. Đúng là lòng nhiệt thành, khi không được thận trọng dưới ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, sẽ trở thành kẻ phá phách chương trình cứu độ của Chúa.

7. Để việc phó thác được thực hiện đúng hướng, tôi thường cầu nguyện. Chúa dạy tôi hãy nhìn vào gương Đức Mẹ và gương Chúa Giêsu.

8. Gương Đức Mẹ phó thác được nổi bật ở biến cố Mẹ được báo tin Chúa chọn làm mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ thưa: “Này con là nữ tỳ của Chúa, con Xin Vâng” (Lc 1,38).

Với lời Xin Vâng đó, Mẹ đã phó thác mình trọn vẹn cho Chúa suốt đời.

Phó thác của Mẹ là để chìm mình trong khiêm nhường tuyệt đối, âm thầm ca ngợi Chúa. Và chôn vùi mình vào thinh lặng, nghèo khó để lắng nghe Chúa trên đường phục vụ.

Phó thác của Mẹ là chia sẻ con đường thương khó của Chúa Giêsu.

Phó thác của Mẹ là khiêm tốn ở lại bên môn đệ Gioan, để lặng lẽ chia sẻ với Hội Thánh sơ khai.

Nhìn gương phó thác của Mẹ Maria, tôi thấy khiêm nhường cùng với niềm tin vào quyền năng và lòng thương xót Chúa chính là những điều quan trọng làm nên phó thác.

9. Gương phó thác của Chúa Giêsu được nổi bật ở giờ phút Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá, đã nói với Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 13,16).

Chúa Giêsu phó thác mình trong tay Chúa Cha, ở giờ phút thê thảm nhất. Bị sỉ nhục, bị đau đớn, bị loại trừ, bị kết án, chính trong hoàn cảnh bi đát ấy, Chúa Giêsu nói lên lời phó thác nơi Chúa Cha. Chứng tỏ rằng: Phó thác đẹp nhất là ở chỗ: Cho dù tất cả đều đổ vỡ, lòng tin vào Thiên Chúa vẫn vững bền.

10. Gương phó thác của Chúa Giêsu và của Mẹ Maria đã giúp tôi rất nhiều. Chúa dùng hai gương sáng để đào tạo tôi.

Việc đào tạo Chúa dành cho tôi về phó thác là thường xuyên, từng ngày, từng giờ. Rất nhiều khi, việc đào tạo đó được tôi cảm nghiệm như còn dài, còn mãi, chẳng bao giờ cùng.

Ngay trong những ngày này, tôi thấy mình mệt mỏi, cạn kiệt về sức khỏe thể xác và tâm hồn, tôi chỉ còn phó thác và xin ơn phó thác.

11. Tôi xin ơn phó thác. Bởi vì tôi sợ tôi không biết phó thác. Tôi xin ơn phó thác một cách rất đơn sơ. Tôi chỉ lập đi lặp lại lời cầu: “Con đuối lắm rồi. Con xin phó thác con trong tình yêu của Cha, vì Cha là cha của con”. Thế thôi.

12. Thế rồi, kết quả là tuyệt vời. Chúa dẫn đưa tôi vào con đường mà thánh ý Chúa muốn. Chứ không phải con đường, mà tôi muốn.

Chúa dẫn đưa một cách mạnh mẽ, nhưng nhẹ nhàng. Tôi cảm được điều đó.

13. Với kinh nghiệm trên đây về phó thác, tôi có một lời khuyên tha thiết gửi đến anh chị em, đó là hãy phó thác mình cho Chúa luôn luôn và trong mọi hoàn cảnh. Đừng bao giờ phó thác mình cho quỷ Satan, cho dù chỉ một phút một giây.

14. Tôi nói như vậy, vì tôi biết đang có phong trào thờ quỷ Satan, và phó thác mình cho quỷ Satan, để nhờ quỷ Satan mà được của cải, địa vị, thắng thế về những lợi ích trần gian.

Hồi tôi còn học ở Cộng Hòa Liên Bang Đức, một vị giám mục tại đó đã nói với tôi về phong trào thờ Satan, dâng mình cho Satan, nhờ Satan mà kiếm lợi. Phong trào đó hoạt động ngay trong giáo phận của Ngài, với những lễ nghi và cam kết trước mặt Satan hiện hình. Phong trào đó đã lan rộng ra nhiều nơi dưới nhiều hình thức.

15. Trước đây, khi còn tại chức, mỗi năm tôi thường được gặp Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Lần nào cũng vậy, Đức Thánh Giáo Hoàng đều chúc tôi một lời: “Hãy can đảm”, đồng thời ban tặng tôi một tràng hạt Đức Mẹ Mân Côi. Tôi hiểu Ngài muốn tôi hãy phó thác mình cho Đức Mẹ, qua việc lần chuỗi mân côi. Tôi vẫn thực thi lời dạy của Ngài.

Thực thi lời dạy của Đức Thánh Giáo Hoàng, lòng tôi mở ra về bổn phận phải đổi mới chính mình, bắt đầu ngay từ việc dâng mình và phó thác mình cho Đức Mẹ và Chúa mỗi ngày.

16. Xét mình về phó thác, nhiều khi tôi thấy tôi cần bỏ đi nhiều ảo tưởng và nhiều tham vọng, mà tôi tự coi là đạo đức, đó là những hành trang làm cho hành trình ơn gọi trở thành nặng nề. Tôi cần tập trung nhiều hơn vào niềm tin ở Đức Mẹ và Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, trong tinh thần tỉnh thức và cầu nguyện.

Được dâng mình và phó thác mình cho Đức Mẹ và cho Thiên Chúa, tôi cảm thấy mình được hạnh phúc lạ lùng. Hạnh phúc lạ lùng này đang uốn nắn hồn tôi, theo lời khuyên của thánh Gioan Tiền Hô. Với hạnh phúc đó, tôi nhớ về mọi đồng bào yêu dấu của tôi.

Long Xuyên, ngày 29.11.2016.
+ Gm. GB BÙI TUẦN

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Bài Giảng Lễ Mẹ Vô Nhiễm Của Đc Khảm (12/17/2023)
Bông Hồng Mầu Nhiệm (8/12) Giờ Ban Ơn Phước (12/9/2023)
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (08/12) | Bài Giảng Sâu Sắc Của Đc Phêrô Nguyễn Văn Khảm (12/5/2023)
Ngôi Sao Vô Nhiễm Trên Bầu Trời Mùa Vọng Trần Mỹ Duyệt (12/18/2022)
Sự Vô Nhiễm Thai Maria (12/17/2022)
Tin/Bài cùng ngày
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội: Ơn Vô Nhiễm – Ơn Độc Nhất Vô Nhị (12/18/2023)
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm: Maria – Mẹ Đầy Ơn Phúc (12/8/2018)
Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội: Hồng Ân Vô Nhiễm Nơi Mẹ Maria (12/8/2018)
Tin/Bài khác
Giờ Ân Huệ 8/12, Đức Mẹ Hiện Ra Với Tước Hiệu Hoa Hồng Mầu Nhiệm (12/8/2023)
Giờ Ân Huệ Do Mẹ Maria Ban Cho: 8 Tháng 12 (12/8/2023)
Tại Sao Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ? (12/18/2022)
Tôi Sẽ Thấy Mẹ Một Ngày Kia (12/9/2018)
Giờ Ân Phúc Hàng Năm Vào Ngày 8/12, 12pm-1pm (12/8/2018)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768