Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Giảng Lễ Cho Cộng Đồng Dân Chúa Paraguay Ở Compo Grande Asunción Chúa Nhật 12/7
Thứ Năm, Ngày 16 tháng 7-2015
Giảng Lễ cho Cộng Đồng Dân Chúa Paraguay ở Compo Grande Asunción Chúa Nhật 12/7

"Hôm nay đây Chúa nói với chúng ta hết sức rõ ràng: theo tâm thức của Phúc Âm, 

các con thu phục con người ta không phải bằng những thứ tranh cãi, bằng những chiến thuật hay sách lược. 

Các con thu phục họ chỉ bằng cách làm sao để đón nhận họ"


..................  Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ của Người và sai các vị ra đi, ban cho họ những lời huấn dụ rõ ràng và chính xác. Người thách đố các vị hãy có một loạt những thái độ và đường lối tác hành. Đôi khi những điều ấy khiến chúng ta cho là quá đáng hay thậm chí là ngu xuẩn. Để dễ chấp nhận hơn thì các thái độ ấy thường hiểu là có tính cách tiêu biểu hay "thiêng liêng" thôi. Thế nhưng, Chúa Giêsu rất ư là chính xác, rất ư là rõ ràng. Người không bảo các vị chỉ cần làm bất cứ những gì các vị có thể. 

Chúng ta hãy nghĩ đến một số những thái độ ấy: "Đừng mang theo gì dọc đường ngoại trừ cây gậy; không mang bánh, không mang bị, không mang tiền bạc..." "Khi các con vào nhà nào thì hãy ở đó cho đến khi các con rời chỗ ấy"(xem Marco 6:8-11). Tất cả những điều này dường như chẳng thực tế tí nào. 

Chúng ta có thể tập trung vào các chữ "bánh", "tiền", "bị", "gậy", "dép" và "áo".... Thế nhưng tôi bị đánh động bởi một chữ chính yếu có thể dễ dàng bị quên sót trong những chữ thách đố tôi vừa liệt kê. Nó là một chữ ở tâm điểm của linh đạo Kitô giáo, của cảm nghiệm về vai trò làm môn đệ của chúng ta, đó là chữ "tiếp đón". Chúa Giêsu với tư cách là vị chủ tốt lành, là thày dạy tốt lành, đã sai các vị đi để được đón nhận, để kinh nghiệm được lòng hiếu khách. Người nói cùng các vị rằng: "Khi các con vào nhà nào thì cứ ở đó". Người sai các vị đi để học một trong những tiêu chuẩn của cộng đồng tín hữu. Chúng ta có thể nói rằng Kitô hữu là người đã học biết đón nhận người khác, là người học biết tỏ lòng hiếu khách

Chúa Giêsu không sai các vị đi như những nam nhân có tầm ảnh hưởng, như những tay địa chủ, những quan chức trang bị đầy những luật lệ và nguyên tắc. Trái lại, Người làm cho các vị thấy rằng cuộc hành trình Kitô hữu chỉ là cuộc hành trình thay đổi tâm can lòng dạ. Trước hết là lòng dạ của mình, rồi giúp biến đổi lòng dạ của người khác. Cuộc hành trình Kitô hữu liên quan đến việc học sống một cách khác biệt, theo một luật lệ khác, theo các qui định khác. Nó liên quan đến việc từ bỏ đường lối vị kỷ, xung khắc, chia rẽ và kẻ cả, thay vào đó là đi theo đường lối của sự sống, của lòng quảng đại và của tình yêu thương. Nó liên quan đến việc vượt qua từ một thứ tâm thức hống hách, bóp chẹt và mạo dụng đến một thứ tâm thức tiếp đón, chấp nhn và chăm sóc. 

Đây là hai tâm thức đối chọi nhau, hai đường lối tiến tới của đời sống chúng ta và của sứ vụ chúng ta.

Biết bao lần chúng ta coi sứ vụ theo khía cạnh của những dự án và các thứ chương trình. Biết bao lần chúng ta thấy việc truyền bá phúc âm hóa như liên hệ với những con số về sách lược, về chiến thuật, về vận động, về kỹ thuật, như thể chúng ta có thể hoán cải dân chúng bằng những tranh cãi của chúng ta. Hôm nay đây Chúa nói với chúng ta hết sức rõ ràng: theo tâm thức của Phúc Âm, các con thu phục con người ta không phải bằng những thứ tranh cãi, bằng những chiến thuật hay sách lược. Các con thu phục họ chỉ bằng cách làm sao để đón nhận họ

Giáo Hội là một người mẹ có một trái tim cởi mở. Giáo Hội biết đón tiếp và chấp nhận, nhất là những ai thiếu thốn việc chăm sóc hơn nữa, những ai đang gặp khốn khó hơn nữa. Như Chúa Giêsu mong muốn, Giáo Hội là ngôi nhà của lòng hiếu khách. Và chúng ta có thể thực hiện tốt đẹp biết bao nếu chúng ta chỉ biết cố gắng nói thứ ngôn ngữ hiếu khách này, thứ ngôn ngữ chấp nhận và tiếp đón này. Nỗi đớn đau có thể được xoa dịu biết bao, thất vọng có thể được lắng dịu ở một nơi chúng ta cảm thấy tự nhiên như ở nhà! Điều này cần phải có những cánh cửa mở ra, nhất là những cánh cửa lòng của chúng ta. Hãy đón nhận người đói khổ, kẻ xa lạ, người trần trụi, kẻ yếu đau, người tù tội (Mathêu 25:34-37), k phong cùi và người bất toại. Hãy đón nhận những ai không nghĩ như chúng ta nghĩ, những ai không có đức tin hay những ai mất đức tin. Mà đôi khi chúng ta cần phải trách móc. Hãy đón nhận người bị bách hại, người không có công ăn việc làm. Hãy đón nhận các nền văn hóa khác nhau, những nền văn hóa nhờ đó trái đất của chúng ta rất ư là diễm phúc. Hãy đón nhận các tội nhân, vì mỗi một người chúng ta cũng là một tội nhân.
 

Chúng ta rất thường hay quên rằng có một sự dữ đỡ đầu cho tội lỗi của chúng ta, sự dữ đi trước tội lỗi của chúng ta. Có một gốc rễ đáng tiếc gây tác hại, gây tác hại lớn lao, và âm thầm hủy hoại rất nhiều cuộc sống. Có một thứ sự dữ, từng chút một, tìm được một chỗ trong cõi lòng của chúng ta và gặm nhấm đời sống của chúng ta, đó là sự cô lập. Cô lập có thể có nhiều gốc rễ, nhiều căn nguyên. Nó hủy hoại đời sống của chúng ta biết là chừng nào và nó tác hại chúng ta biết bao nhiêu. Nó làm cho chúng ta quay lưng lại với người khác, với Thiên Chúa, với cộng đồng. Nó làm cho chúng ta khép kín bản thân lại. Từ đó chúng ta mới thấy rằng công việc thực sự của Giáo Hội, mẹ của chúng ta, chính yếu không phải là những gì về các việc điều hành và các thứ dự án, mà là về việc học biết cảm nghiệm tình huynh đệ với người khác. Một tình huynh đệ tràn đầy đón nhận là chứng từ tốt đẹp nhất cho Thiên Chúa là Cha của chúng ta, vì "cứ dấu này mà tất cả sẽ biết rằng các con là môn đệ của Thày, nếu các con yêu thương nhau"(Gioan 13:35).  

Như thế, Chúa Giêsu dạy chúng ta một cách thức suy nghĩ mới. Người mở ra trước chúng ta một chân trời tràn đầy sự sống, tràn đầy vẻ đẹp, chân lý và toàn vẹn. 

Thiên Chúa không bao giờ khép kín các chân trời; Ngài không bao giờ không quan tâm đến đời sống và khổ đau của con cái Ngài. Thiên Chúa không bao giờ để cho mình bị qua mặt về lòng quảng đại. Bởi thế Ngài đã sai đến với chúng ta Con của Ngài, Ngài ban Người cho chúng ta, Ngài trao nộp Người, Ngài chia sẻ Người với chúng ta... để chúng ta có thể học biết đường lối sống tình huynh đệ, biết hy hiến bản thân. Người vĩnh viễn mở ra một chân trời mới; Người là một thế giới mới chiếu ánh sáng trên rất nhiều trường hợp bị loại trừ, bị phân tán, bị lẻ loi và bị cô lập. Người là lời nói phá vỡ cái thinh lặng của cô đơn.   

Và khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi và rã rời vì nỗ lực truyền bá phúc âm hóa thì nên nhớ rằng sự sống mà Chúa Giêsu truyền đạt cho chúng ta là những gì đáp ứng các nhu cầu sâu xa nhất của dân chúng. "Chúng ta đã được tạo dựng nên cho những gì Phúc Âm cống hiến chúng ta, đó là tình thân hữu với Chúa Giêsu và tình yêu thương đối với anh chị em của chúng ta" (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 265).  


Có một điều chắc chắn đó là chúng ta không thể nào bắt người nào đó phải đón tiếp chúng ta; điều này tự nó thuộc về sự khó nghèo và tự do của chúng ta. Thế nhưng không ai có thể bắt chúng ta không được đón tiếp, không được hiếu khách nơi đời sống của dân chúng mình. Không ai có thể nói với chúng ta là đừng chấp nhận và ôm lấy đời sống đời sống của anh chị em chúng ta, nhất là những ai đã mất niềm hy vọng và nhiệt huyết sống. Tốt đẹp biết bao khi nghĩ đến các giáo xứ, các cộng đồng, các nguyện đường, bất cứ ở đâu có Kitô hữu, với cửa rộng mở, trở thành những trung tâm gặp gỡ giữa chúng ta và Thiên Chúa.

Giáo Hội là một người mẹ như Mẹ Maria. Ở nơi Mẹ chúng ta có được một mô mẫu. Chúng ta cũng cần phải cung cấp một ngôi nhà, như Mẹ Maria, Vị đã không chủ trị lời Chúa mà là đón nhận lời Chúa, cưu mang lời Chúa trong cung dạ của mình và cống hiến lời Chúa cho người khác. 

Chúng ta cũng cần phải cung cấp một ngôi nhà, như trái đất này, một trái đất không làm chết nghẹt hạt giống mà là lãnh nhận hạt giống, nuôi dưỡng hạt giống và làm cho hạt giống tăng trưởng

Đó là cách thức chúng ta muốn trở thành Kitô hữu, đó là cách thức chúng ta muốn sống đức tin trên mảnh đất Paraguay này, như Mẹ Maria, ở chỗ chấp nhận và đón nhận sự sống của Thiên Chúa nơi anh chị em của chúng ta, một cách tin tưởng và xác tín rằng "Chúa sẽ tưới dội xuống các phúc lành, và đất đai của chúng ta sẽ dồi dào trổ sinh". Chớ gì được như vậy. 


Xin đón coi tiếp bài cuối cùng trong chuyến tông du của ngài, bài ĐTC nói với Phong Trào Quần Chúng, một bài khá dài, rất hay, có liên quan đến Thông Điệp về môi sinh mới ban hành của ngài.
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về