Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Đtc Phanxicô - Diễn Từ Tại Vương Cung Thánh Đường Thánh George Ở Istanbul Chúa Nhật 30/11/2014
Thứ Hai, Ngày 1 tháng 12-2014
Đức Thánh Cha Phanxicô 

 Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ (28-30/11/2014)


Ngày 1, Thứ Sáu 28/11/2014, tại Ankara, với Chính Quyền và Tôn Giáo Vụ;
Ngày 2, Thứ Bảy 29/11/2014, tại Istanbul, với Giáo Hội Chính Thống;
Ngày 3, Chúa Nhật 30/11/2014, mừng Lễ Thánh Anrê Tông Đồ


"Điều duy nhất Giáo Hội Công giáo ước muốn và là những gì tôi tìm kiếm với tư cách Vị Giám Mục của Giáo Hội Rôma, 'Giáo Hội chủ trì trong bác ái', đó là mối hiệp thông với các Giáo Hội Chính Thống".

ĐTC Phanxicô -  Diễn Từ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh George ở Istanbul Chúa Nhật 30/11/2014

[Multimedia]

Trọng Kính người anh em Thượng Phụ Bartholomew thân mến,

Khi tôi còn là Tổng Giám Mục ở Buenos Aires, tôi thường tham dự vào việc cử hành Phụng Vụ Giờ Kinh của các cộng đồng Chính Thống giáo ở đó. Hôm nay, Chúa đã ban cho tôi ơn đặc biệt để được hiện diện nơi Thánh Đường Thượng Phụ Thánh George này để cử hành Lễ Thánh Tông Đồ Anrê, vị được gọi đầu tiên, người anh của Thánh Phêrô và là Thánh Quan Thày của Vai Trò Thượng Phụ Toàn Cầu.

Việc gặp gỡ nhau, trông thấy nhau mặt giáp mặt, trao cho nhau cái ôm hôn hòa bình, và cầu nguyện cho nhau, tất cả đều là những khía cạnh thiết yếu cho cuộc hành trình của chúng ta tiến đến việc phục hồi mối hiệp thông trọn vẹn. Tất cả những điều này là những gì đi trước và bao giờ cũng là những gì hỗ trợ cho khía cạnh thiết yếu khác của cuộc hành trình này, đó là việc đối thoại về thần học. Một cuộc đối thoại chân thực, trong mọi trường hợp, đó là một cuộc gặp gỡ giữa những con người có tên tuổi, dung nhan, quá khứ chứ không phải chỉ là một cuộc họp về các tư tưởng mà thôi.

Điều này đặc biệt là đúng đối với Kitô hữu chúng ta, vì đối với chúng ta sự thật là bản thân Chúa Giêsu Kitô. Mẫu gương của Thánh Anrê, vị đã cùng với một người môn đệ khác chấp nhận lời mời của Vị Sư Phụ Thần Linh "hãy đến mà xem" và "đã ở với Người hôm đó" (Gioan 1:39), chứng tỏ cho chúng ta thấy rõ ràng rằng đời sống Kitô hữu là một cảm nghiệm riêng tư, là một cuộc gặp gỡ biến đổi với Đấng yêu thương chúng ta và là Đấng muốn cứu chúng ta. Thêm vào đó, sứ điệp Kitô giáo được truyền lan nhờ những con người nam nữ phải lòng Chúa Giêsu và không thể nào không truyền đạt niềm vui được yêu thương và được cứu độ này. Cũng ở đây nữa, gương sống của Tông Đồ Anrê là những gì hữu ích. Sau khi theo Chúa Giêsu tới nhà của Người và bỏ giờ ra ở với Người, Thánh Anrê "đầu tiên đi tìm em của mình là Simon mà nói 'Chúng tôi đã gặp được Đấng Thiên sai' (nghĩa là Đức Kitô). Anh dẫn em đến với Chúa Giêsu" (Gioan 1:40-42). Bởi thế, rõ ràng cho dù là các Kitô hữu có đối thoại với nhau cũng không thể coi thường bỏ qua cái lý lẽ hội ngộ riêng tư này. 

Không phải là tình cờ mà con đường hòa giải và hòa bình giữa tín hữu Công giáo và Chính Thống giáo, một cách nào đó, đã được tạo nên bởi một cuộc gặp gỡ, bởi một cử chỉ ôm hôn giữa các vị tiền nhiệm của chúng ta đó là Đức Thượng Phụ Toàn Cầu Athenagoras và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, một cuộc gặp gỡ đã diễn ra 50 năm trước tại Giêrusalem. Đức Thượng Phụ và tôi đều muốn tưởng niệm giây phút đó khi chúng ta gần đây gặp nhau ở cùng một thành phố, nơi Chúa Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại. 

May mắn thay, chuyến viếng thăm của tôi rơi vào mấy ngày sau thời điểm kỷ niệm 50 năm ban hành Sắc Lệnh Unitatis Redintegratio về Hiệp Nhất Kitô Giáo của Công Đồng Chung Vaticanô II. Đây là một văn kiện nồng cốt đã mở ra những đại lộ mới cho việc hội ngộ giữa tín hữu Công giáo và các anh chị em của mình thuộc các Giáo Hội khác cùng các cộng đồng giáo hội. 

Đặc biệt là trong Sắc Lệnh này Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận rằng các Giáo Hội Chính Thống "có các bí tích thực sự, nhất là - nhờ việc thừa kế tông đồ - có chức linh mục và Thánh Thể, bởi thế họ vẫn liên kết với chúng ta một cách thân mật chặt chẽ nhất" (khoản 15). Sắc Lệnh này tiếp tục nói rằng để trung thành canh giữ trọn vẹn truyền thống Kitô giáo cũng như để hoàn thành việc hòa giải giữa các Kitô hữu Đông và Tây, hết sức cần phải bảo trì và nâng đỡ cái gia sản phong phú của các Giáo Hội Đông phương. Điều này liên quan chẳng những đến các truyền thống về phụng vụ và linh đạo của họ mà còn cả về những kỷ cương theo giáo luật nữa, được chuẩn nhận đúng như vậy bởi các Giáo Phụ cũng như bởi các Công Đồng, những gì chi phối đời sống của các Giáo Hội ấy (xem khoản 15-16). 

Tôi tin rằng cần phải tái khẳng định việc tôn trọng nguyên tắc này như là một điều kiện thiết yếu, được đôi bên chấp nhận, để phục hồi trọn vẹn mối hiệp thông, hiệp thông không có nghĩa là bên này phục tùng bên kia hay đồng hóa. Trái lại, nghĩa là đón nhận tất cả mọi tặng ân Thiên Chúa ban cho mỗi bên, nhờ đó chứng tỏ cho toàn thế giới thấy mầu nhiệm cứu độ cao cả được Chúa Kitô hoàn thành bởi Thánh Linh. Tôi muốn cam đoan với mỗi người trong anh em ở đây là, để tiến đến đích điểm trọn vẹn hiệp nhất như lòng mong ước, Giáo Hội Công Giáo không có ý định áp đặt bất cứ điều kiện nào ngoại trừ điều kiện cùng tuyên xưng một đức tin. Hơn nữa, tôi còn muốn thêm rằng chúng ta đang sẵn sàng cùng nhau tìm kiếm, theo ánh sáng của giáo huấn Thánh Kinh và kinh nghiệm của thiên niện kỷ thứ nhất, những đường lối nhờ đó chúng ta có thể bảo đảm mối hiệp nhất cần thiết của Giáo Hội trong những hoàn cảnh hiện tại. Điều duy nhất Giáo Hội Công giáo ước muốn và là những gì tôi tìm kiếm với tư cách Vị Giám Mục của Giáo Hội Rôma, "Giáo Hội chủ trì trong bác ái", đó là mối hiệp thông với các Giáo Hội Chính Thống. Mối hiệp thông như thế sẽ luôn là hoa trái của một tình yêu "đã được tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Đấng đã được ban cho chúng ta" (xem Rôma 5:5), một tình yêu huynh đệ thể hiện mối liên hệ thiêng liêng và trổi vượt liên kết chúng ta lại với nhau như là thành phần môn đệ của Chúa. 

Trong thế giới hôm nay, có những tiếng nói đang vang lên chúng ta không thể bỏ qua và là những tiếng nói van xin các Giáo Hội của chúng ta hãy sống sâu xa hơn căn tính của mình như là thành phần môn đệ của Chúa Giêsu Kitô.

Tiếng nói đầu tiên trong các tiếng nói này là tiếng nói của người nghèo. Trong thế giới này, có quá nhiều con người nam nữ đang chịu đựng bởi tình trạng trầm trọng dinh dưỡng thiếu thốn và tệ hại, gia tăng vấn đề thất nghiệp, con số giới trẻ thất nghiệp gia tăng, cũng như bởi việc gia tăng loại trừ nhau trong xã hội. Những điều này có thể gây ra hoạt động tội ác và thậm chí có thể giúp vào việc tuyển mộ thành phần khủng bố. Chúng ta không thể nào tỏ ra dửng dưng trước những tiếng kêu la của anh chị em chúng ta. Những người anh chị em này xin chúng ta chẳng những trợ giúp về vật chất - cần thiết trong rất nhiều hoàn cảnh - mà trên hết, việc chúng ta giúp bênh vực phẩm giá làm người của họ, nhờ đó họ có thể tìm được nghị lực tinh thần để lại trở nên những người thủ vai chính trong đời sống của họ. Họ xin chúng ta hãy chiến đấu, theo ánh sáng của Phúc Âm, những nguyên nhân liên hệ gây ra nghèo khổ, như vấn đề bất bình đẳng, tình trạng thiếu công việc và nhà ở xứng đáng, và việc chối bỏ các quyền lợi của họ như là các phần tử của xã hội và như là nhân viên làm viêc. Là Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi cùng nhau loại trừ thứ toàn cầu hóa thái độ dửng dưng lạnh lùng mà ngày nay dường như đang ngự trị, đồng thời xây dựng một nền văn mình yêu thương và đoàn kết. 

Tiếng van nài thứ hai xuất phát t các nạn nhân của những cuộc xung đột nơi rất nhiều phần đất trên thế giới của chúng ta. Chúng ta thấy điều vang vọng này ở nơi đây, vì một số xứ sở lân cận đang lo sợ bởi thứ chiến tranh phi nhân dã man tàn bạo. Tôi đặc biệt nghĩ đến nhiều nạn nhân của cuộc tấn công ghê sợ và vô cảm mới đây đã sát hại và gây thương tích cho rất nhiều tín đồ Hồi giáo đang cầu nguyện tại một Đền Thờ ở Kano nước Nigeria.  Lấy mất bình an của dân chúng, gây ra hết mọi hành động bạo lực - hay đồng lõa với các hành động như thế - nhất là khi nhắm đến thành phần yếu thế nhất và không thể tự vệ, là một thứ tội hết sức trầm trọng phạm đến Thiên Chúa, ở chỗ tỏ ra khinh khi hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người. Tiếng kêu la của các nạn nhân bị xung đột thôi thúc chúng ta nhanh chóng tiến tới trên con đường hòa giải và hiệp thông giữa tín hữu Công giáo và Chính Thống giáo. Thật vậy, làm sao chúng ta có thể loan truyền Phúc Âm hòa bình xuất phát từ Chúa Kitô một cách khả tín, nếu vẫn còn tiếp tục xẩy ra chuyện đối đầu và bất đồng giữa chúng ta với nhau (cf. Paul VI, Evangelii Nuntiandi, 77)?

Tiếng kêu la thứ ba đang thách đố chúng ta đó là tiếng kêu la của giới trẻ. Ngay nay, thảm thương thay, có nhiều con người nam nữ trẻ trung sống không hy vọng, trở nên ngờ vực và buông thả. Nhiều người trẻ, bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa thịnh hành, đang tìm kiếm hạnh phúc chỉ ở nơi việc chiếm hữu những gì là vật chất và tìm kiếm thỏa mãn những cảm xúc nông nổi của mình. Các thế hệ mới sẽ không bao giờ có thể có được sự khôn ngoan chân thực và có được niềm hy vọng trừ phi chúng ta biết trân quí và truyền đạt nền nhân bản chân thực xuất phát từ Phúc Âm cũng như từ kinh nghiệm già đời của Giáo Hội. Chính giới trẻ là thành phần ngày nay đang van nài chúng ta hãy tiến bộ hơn trong mối hiệp thông trọn vẹn. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến nhiều giới trẻ Chính Thống, Công Giáo và Tin Lành cùng nhau đến với các cuộc gặp gỡ được cộng đồng Taizé tổ chức. Họ làm như thế không phải vì họ không biết đến những khác biệt vẫn còn phân rẽ chúng ta, mà vì họ có thể nhìn thấy cả bên ngoài những khác biệt ấy nữa; họ có thể chấp nhận những gì là thiết yếu và những gì đã liên kết chúng ta lại với nhau. 

Người anh thân mến, người anh rất thân mến, chúng ta đang hành trình trên con đường tiến đến mối hiệp thông trọn vẹn và chúng ta đã có thể cảm nghiệm thấy những dấu hiệu sống động về một mối hiệp nhất chân thực cho dù chưa hoàn toàn. Điều này tái bảo đảm và phấn khích chúng ta tiếp tục cuộc hành trình ấy. Chúng ta tin tưởng rằng dọc theo con đường này chúng ta được hỗ trợ bởi lời chuyển cầu của Tông Đồ Anrê và người em Phêrô của ngài, hai vị được coi là những người thành lập Giáo Hội Constantinople và Giáo Hội Rôma. Chúng ta xin Thiên Chúa đại tặng ân trọn vẹn hiệp nhất này, và khả năng chấp nhận nó trong đời sống của chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ quên cầu nguyện cho nhau.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2014/documents/papa-francesco_20141130_divina-liturgia-turchia.html

(Xin đón xem tiếp phần II và III Sứ Điệp cho Năm Đời Dâng Hiến của ĐTC Phanxicô

và bài phỏng vấn ĐTC Phanxicô của phóng viên báo chí trên chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ về Rôma)

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về