MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Hạnh Phúc Trong Tình Yêu Và Hôn Nhân
Thứ Năm, Ngày 8 tháng 10-2015

Hạnh Phúc trong Tình Yêu và Hôn Nhân

Hạnh phúc là gì? Có khó tìm hạnh phúc không?
Dễ hay khó cũng còn tùy nhiều thứ. Không ai khả dĩ định nghĩa thỏa đáng về tình yêu. Thiết tưởng cũng chẳng ai xác định hoàn toàn chính xác thế nào là hạnh phúc. Trong bài thơ “Vì Sao”, thi sĩ Xuân Diệu thốt lên:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhẹ nhẹ, gió hiu hiu...

Tình yêu vô hình, có vẻ đơn giản mà lại nhiêu khê. Cũng vậy, hạnh phúc xem chừng rất đơn giản nhưng vô cùng phức tạp. Trên thế giới, mỗi phút có khoảng 3 triệu đôi nam nữ yêu nhau. Nhưng số người được giáo dục về giới tính vẫn chưa nhiều. Phụ nữ được “đặc ân” cả tâm hồn lẫn thể xác, nhất là thời kỳ xuân trẻ, không chỉ như tục ngữ Việt Nam:“Thứ nhất thịt bò ăn tái, thứ nhì con gái đương tơ”, mà ở độ tuổi 30, phụ nữ càng hấp dẫn vì đó mới là thời kỳ sung mãn nhất. Tuy nhiên, thời kỳ này cũng rất phức tạp nếu ở vào “buổi hồi xuân”. Vì thế, chưa hẳn “trai ba mươi tuổi đang xoan, gái ba mươi tuổi đã toan về già”.

Đó chẳng qua là quan niệm cổ xưa, khi mà người ta kết hôn quá sớm, gọi là tảo hôn:“Lấy anh từ thuở mười ba, đến năm mười tám thiếp đà năm con”. Quan niệm dần dần thay đổi tùy vào nền văn minh và văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi thời đại.

Không có hai chiếc lá hoặc hai đóa hoa giống nhau hoàn toàn, tất nhiên cũng không thể có hai người giống nhau về mọi phương diện. Nói “tâm đầu, ý hợp” là chỉ về một phương diện nào đó thôi, nhưng cũng chỉ tương đối chứ không thể tuyệt đối. Giống nhau khoảng 30% về tâm tính là tốt lắm rồi.
Vì “nhân vô thập toàn” nên mới cần hôn nhân để bổ túc lẫn nhau về những khiếm khuyết, để cân bằng âm dương theo quy luật tự nhiên. Nghĩa là phải hy sinh, nhịn nhục, cảm thông, nâng đỡ, chịu đựng, chấp nhận, bình dị, không quá đáng, và yêu thương nhau suốt đời. Cùng sống VỚI nhau, CHO nhau và VÌ nhau, cùng chia vui sẻ buồn chứ không thể ích kỷ với cái TÔI “đáng ghét” của mình.

Có hạnh phúc thì không khó, nhưng giữ được hạnh phúc mới khó. Hạnh phúc không xa vời, nó ở ngay bên chúng ta. Đừng “đứng núi này, trông núi nọ”. Thường thì ai cũng thấy đèn nhà người sáng hơn đèn nhà mình. Đóa hoa bên hàng xóm luôn đẹp hơn đóa hoa ở vườn nhà mình. Tình cảm con người dễ bị ngoại cảnh chi phối, thậm chí còn bị tác động bởi thời tiết và sức khỏe. Thất tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục) là một chu kỳ biến đổi bất thường. Do đó, mỗi người đều phải tỉnh thức và cẩn trọng như khi tham gia giao thông, nhất là khi gặp “đèn đỏ”.

Ngoài ra, hạnh phúc còn ít nhiều lệ thuộc vào bản chất giới tính, như Helen Rowland nói:“Để sống hạnh phúc với đàn bà thì đàn ông phải yêu nhiều và đừng hiểu gì cả; để sống hạnh phúc với đàn ông thì đàn bà phải yêu ít và hiểu nhiều”. Nói vậy không có nghĩa là tình yêu mất cân bằng, kẻ ít, người nhiều. Thực ra, khi yêu chân thành, không phân biệt nam hay nữ, chẳng ai lại đòi hỏi người mình yêu thái quá mà luôn chịu thiệt thòi, vì bản chất tình yêu là CHO nhiều hơn NHẬN, như thi sĩ Xuân Diệu nói:“Yêu là chết trong lòng một ít”. Vả lại, tình yêu nào tiết ra chất hy sinh mới thực sự là tình yêu chân thành.

Tình yêu không thể phân tích chính xác theo khoa học, nhưng có thể kiểm chứng tình yêu bằng nỗi nhớ da diết hay hời hợt. Đó là cách nhận biết mức độ yêu nhau. Có yêu nhau thật mới thấy xa cách là nỗi khổ sâu đậm, mới hiểu thế nào là ngày chờ tháng đợi. Và tất nhiên, niềm thương nỗi nhớ đó được tính bằng cấp số nhân. Trong ca khúc “Trăm Nhớ Ngàn Thương”, nhạc sĩ Lam Phương tâm sự: “Chiều nay mây đen giăng sầu đường về, nhìn hoa rơi não nề, người ơi sao chẳng về…”. Có thể nói đó là nỗi-nhớ-ba-chiều.

Cũng như các lĩnh vực khác, hạnh phúc lứa đôi thiết yếu cấu thành bằng lòng chân thành, một cuộc tình-vì-tình (love-match) chứ không là cuộc tình-vì-tiền (money-match) hoặc vì thứ gì khác, và chín chắn (biết rõ yếu điểm và nhược điểm của đối tượng mà vẫn “bằng lòng” về nhau). Muốn vậy, cả chàng và nàng đều cần lần lượt bước qua 5 cung bậc để đạt sự khôn ngoan, đó là 5T:

     1. Thinh lặng: Tình sâu đậm và nồng nàn.
     2. Tìm hiểu: Lắng nghe và cân nhắc.
     3. Tích lũy: Luôn học hỏi về giới tính để chuẩn bị hôn nhân, gọi là thời kỳ “tiền hôn nhân”.
     4. Thi hành: Áp dụng và thi vị hóa.
     5. Tập luyện: Không ngừng học hỏi, dù đã là vợ chồng, luôn tế nhị, ý thức, luôn “tương kính như tân”.

Tuyệt đối không bao giờ suồng sã, cố chấp, hoặc để “người thứ ba” xuất hiện xen vào chuyện hai người, vì đó là những loại virus có khả năng đục khoét âm ỉ hạnh phúc lứa đôi một cách nhanh chóng và nguy hiểm. Quá bình thường, quá thực tế và quá đơn điệu dễ gây nhàm chán, thế nên phải biết thêm “gia vị” lãng mạn, vì bản chất phụ nữ rất lãng mạn, để thi vị hóa cuộc sống thực tế. Nên nhớ lãng mạn chứ đừng lãng quên, lãng phí hoặc lãng nhách.

Chuyện gì, dù lớn hay nhỏ, thiết tưởng cần bàn luận để đạt được thỏa thuận chung, vì “thuận vợ, thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Đừng độc đoán, ngay cả việc “tỏ tình” hoặc “chuyện ấy”. Khi có sự đồng tâm nhất trí rồi, việc “tát cạn biển Đông” chẳng khó khăn chi! Hãy cùng Alexandre Mercereau “sẵn sàng hy sinh để chứng minh là mình biết sống”. Đồng thời, vợ chồng còn phải biết CỘNG hưởng niềm vui, NHÂN lên hạnh phúc, TRỪ bớt nhọc nhằn và đau khổ, không ngừng CHIA sẻ mà không CHIA rẽ hoặc CHIA ly bao giờ.

Là con người, ai cũng khao khát YÊU và ĐƯỢC YÊU. Dĩ nhiên, vì nhân vô thập toàn nên rất cần chiến thắng chính mình, quên mình để sống vì người mình yêu. Không mù quáng, không nhắm mắt đưa chân, nhưng yêu trọn vẹn bằng cả trái tim với một lý trí lành mạnh và sáng suốt. Bất luận lúc nào, dù trẻ hay già, hai người đều cần có “con mắt nhà nghề” của nghệ sĩ để “có thể thấy điều vô thường trong sinh hoạt thường nhật”, kinh qua cuộc sống rất đời thường này. Hãy cứ ghen, nhưng ghen sao cho có trí tuệ, bản lĩnh, tế nhị, nhẹ nhàng mà thâm thúy. Quan trọng là luôn coi nhau bình đẳng, không thái quá về ngôn ngữ, cử chỉ và động thái. Mỗi người không còn là MỘT mà là BA người một lúc.

– Người yêu: Dịu dàng, chiều chuộng, tìm đến nhau, ánh mắt tha thiết,…Có thể siết chặt tay nhau “ấm áp” hơn, trên mức bình thường. Cũng có thể hôn, nhưng chỉ hôn tay hoặc hôn trán tỏ sự yêu thương và tôn trọng. Cái gì cũng có giới hạn của nó.

– Người tình: Lực hấp dẫn mạnh hơn, say đắm, độ cuồng nhiệt cao. Được quyền hôn môi, cháy bỏng, nhưng ở mức vừa phải, vì lúc đó “thế giới chỉ còn hai người”, và “rơm khô” rất “dễ cháy”. Tất cả đều ngọt ngào, quên mất “cay đắng là nơi thật thà”. Ca dao Việt Nam khuyên:
Có nêm thì nêm ớt, nêm hành

Đừng nêm mật ngọt chành bành bụng em

Và ca dao còn dặn dò thêm:
Khi đi mẹ có dặn lòng
Chanh chua mua lấy, ngọt bòng đừng mua.

– Người vợ/chồng: Ngoài quyền lợi còn có bổn phận và trách nhiệm, với nhau và với con cái, đồng thời còn là cha và là mẹ. Tuy nhiên, không được xao nhãng lời ăn tiếng nói, thái độ, cử chỉ, và cả việc trang điểm (nhưng không đỏm dáng). Thống kê cho thấy rằng đa số các vụ ly hôn đều bắt nguồn từ phụ nữ, vì họ thường lải nhải, cằn nhằn, khó tính, xộc xệch, bốc đồng, vô ý tứ,…).

Quả thật, tình yêu và hôn nhân đều là những đa thức. Đơn giản mà phức tạp. Viên ngọc quý đựng trong chiếc bình dễ vỡ nên rất cần được nâng niu, bảo vệ và không ngừng chăm chút. Đó là “thuận buồm, xuôi gió” mà còn “gay go” đến vậy huống chi “mưa nắng thất thường”, thậm chí có lúc còn áp thấp hoặc phong ba bão táp.

Vì màu da, vì chủng tộc, vì giai cấp, vì lễ giáo phong kiến, vì quan niệm sai lầm và khắt khe, vì hoàn cảnh, vì thời thế, vì biết bao cái VÌ, BỞI, TẠI, NẾU, NHƯNG,… mà không ít những cuộc tình phải ngậm ngùi nước mắt khi cha mẹ đành lòng làm “tan nghé, xẻ bầy”. Điển hình như Romeo và Juliette. Đó là chưa kể những cuộc tình trọng “bề ngoài” như Trương Chi – Mỵ Nương để rồi kẻ tương tư, người nuối tiếc!

Ôi, chuyện của “Jack and Gill” (Chàng và Nàng)! Thương thì nói năm, nói mười, ghét thì như đổ nước đi. Có những nàng “kênh kiệu”, chê ỏng chê eo, mà quên rằng người con gái chỉ “có giá” một thời gian ngắn. Đến khi “ế” rồi thì đành chấp nhận “chắp vá”, vì có lẽ chợt hiểu rằng “gái không chồng như cánh đồng không mưa” (Ngạn ngữ Ấn Độ), như tục ngữ nói: “Gái có chồng như gông đeo cổ, Gái không chồng như phản gỗ long đanh, phản long đanh anh còn chữa được, gái không chồng chạy ngược chạy xuôi, không chồng khốn lắm chị em ơi!”.
Không khinh suất gia phong lễ giáo, nhưng khi cần thì nàng cũng nên “mạnh dạn” bảo vệ tình yêu chân chính của mình, cho chính mình và cho người yêu. Nhưng cũng đừng “liều”, đừng quá đắn đo, quá câu nệ, quá lệ thuộc vào ai, miễn sao “phải chăng”. Không hẳn “thế này là đúng” hoặc “thế kia là sai”. Hãy yêu chân thành thì Thần Tình Yêu sẽ mách bảo bạn nên làm gì và cần tránh điều gì. Khi đó, không gì có thể chia cách được – dù đó là Tử Thần.

Một chút dỗi hờn, nếu biết khôn khéo, sẽ biến thành chất xúc tác khiến cho không chỉ tình yêu mà cả hôn nhân đều trở nên kỳ lạ, thú vị, đậm đà, quyến rũ, luôn là thế-giới-mới huyền diệu và thơ mộng, nơi hai người đồng hành có hoa thơm và cỏ lạ, cùng dìu nhau trên lối thi ca, cùng nghe cõi lòng rung lên những nốt trầm xao xuyến với nhịp điệu đặc biệt nhất. Tuyệt vời biết bao!

Về phần cha mẹ, không được ép buộc hoặc ngăn cản. Hãy để con cái tự do chọn bạn trăm năm, chỉ giúp lời khuyên và phân tích điều hơn lẽ thiệt, vì dù sao thì con cái cũng đã trưởng thành, và trước pháp luật, họ có đầy đủ tư cách pháp nhân của một công dân thực thụ, chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Vả lại, chúng ta đang sống ở thế kỷ XXI, phải tránh thói phong kiến kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Cha mẹ tưởng rằng con cái nên lấy người này hoặc người nọ mới có hạnh phúc, nhưng thực chất chỉ là lòng vị kỷ. Dựng vợ hoặc gả chồng cho con hay cho chính cha mẹ? Đừng quên đó là “chuyện riêng của hai người”, phụ huynh không nên “lạm quyền” kẻo mà thay vì tạo hạnh phúc thì lại đẩy con vào chỗ khổ, gieo hận sầu cho con.
Tóm lại, tình yêu và hôn nhân đều nhất thiết phải sử dụng liên tục hai động từ TIN và GIÚP. Có vậy mới giữ trọn chữ Thủy Chung, không vì “sắc phai, hương nhạt” mà “cam đành phụ quýt”. Yêu nhau bằng cả tâm hồn, lý trí và con tim chân thành thì tình yêu sẽ bền vững. Cái đẹp ngoại tại sẽ không thể tồn tại với thời gian, nhưng cái đẹp nội tại không thể bị tàn tạ. Ở đâu cũng vậy, cần có một tấm lòng để sống với nhau. Thật vậy:

Người xinh, cái bóng cũng xinh
Người tình, đến bạc đầu xanh vẫn tình

Đừng “có bé xé ra to” hoặc “vạch áo cho người xem lưng”, mà nên “đóng cửa bảo nhau” bằng sự chân tình, với lòng phục thiện, vì “yêu không là nhìn
nhau mà là cùng nhìn về một hướng” (Saint-Exupéry), có vậy mới khả dĩ đồng hành với nhau dù mưa hay nắng. Con cái là gạch-nối-tình-yêu, nhưng khi đó lại càng cần phải khéo léo và tế nhị hơn.

Cố gắng hết sức đừng để “lời ru chia đôi”, vì lúc đó không chỉ buồn cả đôi mà còn tổn thương những mái đầu xanh vô tội. Biết bao trẻ em sống lang thang “bụi đời” chỉ vì khoảng giữa cha mẹ chúng chợt xuất hiện dấu TRỪ thay cho dấu CỘNG. Biết quên mình một chút mà dám quy trách nhiệm và nhận lỗi phần mình thì hẳn không bao giờ xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Hối hận bao giờ cũng muộn màng!
Có cuộc hôn nhân như ý và sống hạnh phúc là điều ai cũng mong muốn, nhưng chính mình phải tích cực trước chứ không thể chỉ trông chờ ở “đối tượng”.
Để tạm kết, xin mượn lời của J. Langbern làm dấu dừng, khép lại trang viết ngắn ngủi này: “Yêu người khác, chưa đủ, mà cần phải chứng minh điều đó”.

TRẦM THIÊN THU
Đăng báo Người Việt (Hoa Kỳ), tháng 7-2013
Đăng báo Thanh Niên – Tuổi Trẻ Hạnh Phúc, số 34, tháng 9-2015

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Xin Đức Bà Phù Hộ Cho Con Cái Thêm Nhiều Và Tấn Tới Đi Đàng Nhân Đức (10/11/2015)
Phép Lạ Của Đức Mẹ La Vang (10/10/2015)
Kinh Kính Mừng, (10/10/2015)
Cầu Nguyện Bằng Chuỗi Mân Côi, Đgm Gioan B Bùi Tuần (10/9/2015)
Thơ Kính Mừng Mẹ Mân Côi (10/9/2015)
Tin/Bài cùng ngày
Đức Chúa Ở Cùng Bà (đức Mẹ Mân Côi) (10/8/2015)
Sức Mạnh Hoán Cải Của Kinh Mân Côi (10/8/2015)
Tin/Bài khác
Lịch Sử Kinh Mân Côi Và Lễ Đức Mẹ Mân Côi (10/7/2015)
7 Tháng 10, Ðức Mẹ Mân Côi (10/7/2015)
Xin Mẹ Soi Sáng Cho Mọi Người Sống Theo Ánh Sáng Phúc Âm (10/6/2015)
Toàn Thể Giáo Hữu Việt Nam Hết Lòng Tin Cậy Chạy Đến Cùng Mẹ (10/6/2015)
Lạy Mẹ Yêu Dấu Hay Thương Giúp, Xin Mẹ Ban Phúc Lành Cho Con (10/6/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768