Chương 30. Những Kinh Nguyện Và Bài Ca Đức Bà Thích Nhất
§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
Cha Y : Đôi khi Đức Bà hát với các con. Các con đã kể lại chuyện đó rồi, và con, con cũng đã ghi vào tập vở của con rồi.
V : Vâng, nhất là hồi đầu, khi Đức Bà hiện ra với chúng con ở trên đồi Podbrdo. Nhưng khi Người đến dưới này ở trong làng, thì Người còn chung lời ca nguyện với chúng con nhiều hơn nữa (1/7/1981).
Cha Y : Điều cha muốn biết (có lẽ người khác cũng vậy) là Đức Bà thích đọc kinh nào ?
V : Đức Bà cũng đọc những kinh mà chúng con đọc, trừ kinh Kính Mừng.
Cha Y : Không khi nào Người đọc kinh đó à ?
V : Không bao giờ, không bao giờ !
Cha Y : Thế Đức Bà làm gì khi các con đọc kinh đó ?
V : Người mỉm cười, rất hân hoan.
Cha Y : Đức Bà xướng kinh à ?
V : Vâng, thường là vậy. Bây giờ thì Người xướng kinh mỗi ngày.
Cha Y : Thế Đức Bà đọc những kinh gì ?
V : Từ mấy ngày nay, vào cuối cuộc hiện ra, Đức Bà đọc kinh Lạy Cha và kinh Sáng danh...
Cha Y : Có kinh nào Đức Bà thích đọc hơn hết không?
V : Có lẽ là kinh Tin Kính. Đức Bà đọc kinh đó luôn luôn một cách rất phấn khởi, Người nói với chúng con và với dân chúng là nên đọc kinh ấy thường xuyên hơn.
Cha Y : Chắc là đọc thay cho những người không tin.
V : Dĩ nhiên. Người thường nói với chúng con như vậy.
Cha Y : Có một chi tiết này hơi lạ kỳ. Đầu mỗi lần hiện ra, các con khởi sự đọc lớn tiếng ít ra kinh Lạy Cha, rồi khi Đức Trinh Nữ hiện đến, thì các con quì gối xuống, bắt đầu nói chuyện với Người (chúng tôi không nghe được tiếng). Khi đã đàm đạo xong, lại nghe được tiếng các con đọc: “Ở trên Trời…”, chứ không bao giờ nghe các con đọc mấy chữ đầu của kinh ấy: “Lạy Cha chúng con”.
V : Vì lúc đó chính Đức Bà xướng kinh, và chúng con đọc tiếp. Sao cha lại muốn chúng con xướng kinh đang khi chúng con không biết phải bắt đầu lúc nào ?
Cha Y : Các con bắt đầu đọc kinh ấy cùng một lúc, nhưng chậm hơn một chút so với Đức Bà. Thường thì chính con là người đầu tiên đọc tiếp Kinh Lạy Cha do Đức Bà xướng (cha không nghe được tiếng của Người), nhưng hôm qua thì bé Jakov là người đọc lên trước. Cha rất hài lòng vì (từ trước đến nay) cha vẫn tự hỏi phải chăng con là đứa cầm đầu tất cả chuyện này. Mối nghi ngờ ấy cứ mãi lẩn quẩn trong tâm trí cha.
V : Vậy thì bây giờ mọi sự đã ổn rồi chứ gì !
Cha Y : Đức Bà thích bài ca nào ?
V : Thưa là bài ca: “Lạy Chúa xin hãy đến”. Đôi khi Người tự xướng lên, và hát như thế nhiều lần, có khi trong cùng một cuộc hiện ra. Người cũng thích bài: “Lạy Đức Kitô, nhân danh Ngài” (theo cung điệu của John Brawn). Đó là hai bài hát Đức Bà thích nhất.
Cha Y : Còn đôi ba chuyện làm cha lưu tâm.
V : Cha cứ tự nhiên, nói đi.
Cha Y : Ví dụ, khi Đức Bà xướng một bài hát, thì giọng ca của các con làm thế nào hoà hợp được với giọng ca của Đức Bà?
V : Nào có giọng ca nào hoà hợp được với giọng ca tuyệt vời của Đức Bà ! Nhất là chúng con “những tay siêu hạng” hát ngang. Cha cũng đã rõ rồi đấy ! Tuy vậy, Đức Bà vẫn vui thích khi nghe chúng con hát.
Cha Y : Cha được biết, đã lâu rồi các con không còn hát với Đức Bà nữa !
V : Đúng đó, từ khi chúng con được gặp Người trong nhà thờ chúng con không hát với Người nữa.
Cha Y : Tại sao ?
V : Không tiện. Cả Đức Bà, cả chúng con không còn xướng hát nữa. Hầu như luôn luôn, khi chúng con ở với Đức Bà, thì người ta đọc kinh trong nhà thờ. Như vậy hát sẽ gây phiền.
Cha Y : Những người xung quanh các con, có nghe chúng con cầu nguyện hoặc hát với Đức Bà không?
V : Cha dư biết rồi ! Mọi người ở đó đều nghe khi chúng con cầu nguyện và hát với Đức Bà. Nhưng chỉ có chúng con mới nghe được tiếng của Đức Bà.(33)
Cha Y : Cho cha biết điệu bộ của Đức Bà thế nào trong lúc cầu nguyện?
V : Luôn luôn Người đứng.
Cha Y : Còn cánh tay Người?
V : Cánh tay mở rộng. Thỉnh thoảng, Người chắp tay khi chúng con đọc kinh Sáng danh.
Cha Y : Thế khi đọc kinh Lạy Cha thì sao ?
V : Khi đó thì hai bàn tay hơi mở ra và lòng bàn tay hướng ra phía ngoài.
Cha Y : Tại sao ?
V : Chúng con không hỏi, và Người không nói cho chúng con.
Cha Y : Còn khi Người hát với chúng con ?
V : Hai cánh tay Người mở ra.
Cha Y : Đức Bà hát như thế nào ?
V : Không thể nào nói được, phải nghe cơ. Đúng như người ta nói: “tiếng hát của thiên thần”. Nhưng câu ấy cũng chưa đúng. Con cũng đã nghe các Thiên thần hát trên trời. Nhưng Đức Bà là Đức Bà !
Cha Y : Đức Bà biết hát bài gì ?
V : Này cha, hỏi như vậy không tốt đâu. Đức Bà biết hết mọi sự đâu vào đấy.
Cha Y : Đức Bà nói tiếng nước nào ?
V : Với chúng con, thì Người nói tiếng Croát như chúng con.
Cha Y : Còn cung giọng?
V : Đó là giọng ca tuyệt vời, không lời nào tả được.
Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT
|