17. Không Nên Làm Mất Danh Thơm Tiếng Tốt Người Khác
§ Lm Peter Vũ Chương
Người Anh có câu: “Bằng gậy bằng đá, bạn có thể đánh gãy xương tôi, Nhưng danh thơm tiếng tốt của tôi, xin bạn đừng đụng tới.”...
Nhưng xét cho kỹ, một vết thương thể lý có thể được chữa lành, còn lời xỉ nhục có thể gây hại suốt đời. Điều ai đó nói xấu một người chúng ta quen biết luôn vấn vương trong tâm trí chúng ta. Chúng ta không quên được điều đó, ngay cả khi chúng ta không tin điều mình đã nghe là có thực.
Ngoài ra, chỉ một lời nói có thể phá hoại bao năm cố gắng. Một người được tiếng là chân thực và đàng hoàng bao năm có thể mất danh thơm tiếng tốt trong vài giây đồng hồ vì một người nào đó nghe đồn thổi, rồi đi loan truyền khắp nơi cho người khác
Nói chuyện là điều mà chúng ta ai cũng làm, ngày này qua ngày khác, một cuộc đời. Thực ra, nói chuyện là điều vô thưởng vô phạt, như khi ta trao đổi vài câu qua hàng rào với người hàng xóm hay lúc uống cà-phê với một người bạn. Câu chuyện có thể rất vui, rất trong sáng. Nhưng khi nó chạm đến danh dự của người khác, thì câu chuyện có thể thành phá hoại.
Dĩ nhiên, không ai đến với chúng ta mà nói: Tôi muốn nói xấu Ông A, Bà B. Điều này thật khó coi và chẳng ai lại dại gì mà làm như vậy. Trái lại, câu chuyện được sắp xếp khéo hơn và nhiều khi người nghe không nhận ra kết quả tai hại sau đó.
Người ta sẽ nói như thế này:
- Tôi chẳng biết chuyện này có thực hay không, nhưng tôi nghe thấy nói như thế này... (Vô lý, bạn thấy không, người nói đó tin là có thực, nếu không họ đã chẳng đem chuyện đi kể).
- Điều này tôi chả muốn kể cho anh nghe... (Nói như thế để kéo sự chú ý của người nghe).
- Điều này tôi biết rõ, nhưng lẽ ra tôi không nên kể lại... (Đây là dấu muốn người nghe nói thêm là họ muốn được biết điều bí mật sắp được tỏ lộ...).
- Tôi chẳng ưa nói xấu cô ấy, nhưng tôi biết rõ chuyện này... (Nói thế có nghĩa là: bạn đừng nghĩ xấu cho tôi là ngồi lê mách lẻo, cho dù điều tôi nói ra quả là điều xấu...).
- Bạn đừng hiểu lầm tôi, tôi cũng quý anh ta lắm, nhưng tôi nghe về anh ta như thế này... (Dĩ nhiên, anh không ưa anh ta nếu không, anh đã chẳng thích bới đống phân lên).
Con người đã được tạo nên, có hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, nhưng chỉ có một miệng. Điều này có nghĩa là ta cần phải giữ miệng lưỡi cho cẩn thận.
Có người đã bình luận thêm: Thiên Chúa đã tạo nên con người siêu việt hơn các loài vật khác bằng cách cho họ biết nói. Vậy những ai không sử dụng khả năng này thì họ không những không giống loài vật khác, mà họ còn thua kém chúng vì loài vật không gây hại cho ai bằng tiếng nói.
Khi ta nói xấu ai, thì ta làm hại ba hạng người:
1/ Người bị nói xấu chắc chắn là họ bị thiệt rồi.
2/ Người thứ hai chính là người nói xấu, vì họ tự hạ giá họ.
3/ Còn người thứ ba chính là người nghe, vì điều họ nghe về người đó sẽ luôn luôn vấn vương trong họ, cho dù điều đồn đại là vô cơ sở.
Vậy khi có ai đến nói xấu với chúng ta về người khác, thì thái độ của ta phải thế nào?
Nếu có thể, chúng ta sẽ nhắc khéo cho họ là ta không nên bàn chuyện người khác sau lưng họ. Rồi chúng ta chuyển hướng đề tài câu chuyện một cách nhẹ nhàng êm thắm.
Người nói xấu đó có thể sẽ ra đi, đưa chuyện đó nói với ai khác, nhưng dám chắc họ sẽ không đến làm phiền chúng ta nữa. Nói mà không có người nghe, thì họ sẽ không nói nữa.
Người ta thường nói: ta không nên nói xấu người đã chết - nhưng tại sao lại chỉ dừng lại đối với người đã chết ?
Chắc chắn là ta cũng không nên nói xấu người còn sống.
Lm Peter Vũ Chương
|