MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Sự Vững Vàng Của Vị Tông Đồ
Thứ Tư, Ngày 24 tháng 6-2009

SỰ VỮNG VÀNG CỦA VỊ TÔNG ĐỒ

Bốn chương cuối cùng trong thư thứ II gửi giáo đoàn Côrintô, tức các chương 10-13 là bức thư biện minh cho sứ mệnh tông đồ đích thực của thánh Phaolô. Nhưng lần này thánh nhân có các lời lẽ rất đanh thép mạnh mẽ, không chỉ đối với nhóm thừa sai kitô gốc do thái nói tiếng hy lạp, mà đối với cả tín hữu cộng đoàn đã bị họ lôi kéo theo họ chống lại thánh nhân nữa. Sau khi trở lại thăm tín hữu Côrintô như đã hứa, thánh Phaolô đã bị các tín hữu nói trên trở mặt xúc phạm nặng nề, khiến ngài buồn lòng trở về Êphêxô và viết cho họ lá thư này. Nó là chứng tích sự đổ bể liên hệ trầm trọng giữa thánh nhân và tín hữu. Nó cũng là chứng tích của những tranh giành ảnh hưởng, những xung khắc, những lệch lạc, khó khăn và chia rẽ giữa các thừa sai, là những người đáng lý ra phải là yếu tố tạo dựng hiệp nhất, an vui hài hòa giữa mọi phần tử của cộng đoàn. Cuộc khủng hoảng này cũng còn là chứng tích cho thấy những khía cạnh hạn hẹp, qúa thế tục, bất toàn nếu không nói là tội lỗi của nhóm thừa sai kitô gốc do thái thời bấy giờ. Nhưng đồng thời chúng cũng cho thấy một số nét nổi bật khác trong gương mặt của vị tông đồ Phaolô nói riêng và mọi tông đồ đích thực nói chung.

 Trước hết là sự vững vàng. Trong chương 10,1-11 thánh nhân giải thích cho nhóm thừa sai và các kitô hữu chống đối ngài biết các lý do tại sao thánh nhân và các cộng sự viên lại luôn cảm thấy vững vàng an tâm, tuy nghèo nàn, yếu đuối giòn mỏng và phải thường xuyên chiến đấu với đủ mọi khó khăn trong cuộc sống tông đồ gian lao thử thách. Nhóm thừa sai kitô gốc do thái và các tín hữu theo họ tố cáo thánh Phaolô là yếu hèn, không xứng đáng là một tông đồ của Đức Kitô, khi ở xa thì nói mạnh miệng và tỏ ra nghiêm khắc, nhưng lúc tới gần thì lại nhu nhược (c.1b). Họ có ý ám chỉ giọng điệu cứng cỏi trong các thư ngài viết và thái độ nhút nhát của thánh nhân khi đến thăm họ (c.10). Nghĩa là họ tố cáo thánh nhân có thái độ hành xử bệnh hoạn, chỉ có thể giải thích bằng các tính toán lợi lộc thiệt hơn hoàn toàn thế tục mà thôi. Tắt một lời, Phaolô có cung cách hành xử theo thứ luận lý xác thịt, nghèo nàn, đáng khinh bỉ và không có Thánh Thần Chúa trợ giúp. Các thừa sai kitô gốc do thái, trái lại, là những người chắc chắn, mạnh mẽ, giầu đặc sủng xuất thần, vì là những người thuộc Đức Kitô (c.7). Kiểu nói ”thuộc Đức Kitô” ở đây không ám chỉ ”phe nhóm” hay ”đảng phài” của Đức Kitô như trong thư thứ I chương 1,12, khi thánh Phaolô đề cập tới sự kiện các tín hữu chia bè chia phái chống đối nhau: người theo Phaolô, kẻ theo Kêpha, người khác theo Apollo, kẻ khác nữa thuộc về Đức Kitô. Nó cũng không ám chỉ sự kiện tín hữu thuộc về Chúa nói một cách chung chung.

Để có thể hiểu kiểu nói ”thuộc về Đức Kitô” ở đây, cần chú ý tới nội dung chương 13,3 trong đó thánh Phaolô cho biết tín hữu Côrintô tìm một lý chứng cho thấy Đức Kitô nói trong ngài; và bối cảnh câu 8 chương 10 trong đó thánh nhân khẳng định ngài cũng đã nhận được quyền là tông đồ từ bên trên, tức từ Thiên Chúa và từ Đức Kitô. Thật ra, các thừa sai kitô gốc do thái khoe khoang họ là các người đại diện Đức Kitô, ”các người phục vụ Đức Kitô” (11,23). Nghĩa là họ cố ý biện minh cho vai trò là các người rao giảng lưu động đang cạnh tranh với Phaolô là vị sáng lập ra giáo hội Côrintô. Thánh Phaolô trả lời họ trên hai bình diện. Đối với nhóm thừa sai kitô gốc do thái ngài không có mặc cảm thua kém họ, vì thánh nhân không thua gì họ (c.7). Đối với các tín hữu Côrintô bị dụ dỗ đi theo nhóm thừa sai nói trên chống lại ngài, thánh nhân đe dọa sẽ dùng quyền tông đồ mà Chúa Kitô đã trao cho ngài để đối phó với họ, khi sẽ đến thăm họ và nói chuyện mặt giáp mặt (c.2). Dẫu thế nào đi nữa, tất cả những gì người ta đã nói về ngài để đi tới kết luận ngài là một người không chắc chắn, đều là vu khống. Nếu họ cho rằng thánh nhân là người lưỡng lự, không chín chắn, sẵn sàng uốn gối cúi lưng, sợ hãi, khiếp nhược và đê tiện hèn hạ, thì họ lầm lớn. Thật ra Phaolô là người can đảm, táo gan bạo phổi và liều lĩnh (cc.2.10.11). Tắt một lời, Phaolô không phải là người thiếu vững vàng (pepóithêsis), bởi vì vững vàng là đặc tính của vị tông đồ của Đức Kitô (c.2).

 Sau khi phủ quyết sự chênh lệnh giữa cung cách viết lách nói năng và hành xử từ xa và từ gần của ngài với nhóm thừa sai kitô gốc do thái cũng như với các tín hữu vào hùa với họ, thánh Phaolô chứng minh cho thấy lời tố cáo ngài hành động theo các tiêu chuẩn lợi lộc của con người trần gian cũng là vu khống. Văn bản viết hành động ”theo xác thịt”, tức theo tâm thức và các tiêu chuẩn của loài người, chứ không theo linh ứng của Thánh Thần (cc.3-6). Dĩ nhiên, cũng như mọi người trên trần gian này, thánh Phaolô phải sống ”trong xác thịt”, nghĩa là phải sống cuộc đời giòn nmỏng, phải chết và mau qua này, nhưng ngài mạnh mẽ trong hoạt động rao giảng Tin Mừng, vì có sức mạnh của Chúa trợ lực. Để diễn tả sức mạnh thần thiêng do Chúa ban, Thánh Phaolô dùng các hình ảnh chiến tranh và khẳng định rằng ngài có các khí giới mạnh mẽ để chống lại thành lũy kiên cố của địch thù. Cụ thể mà nói, thánh nhân chiến đấu chống lại các lực lượng đối nghịch dùng khoa ngụỵ biện, phô trương kiêu căng chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa, và khước từ chấp nhận những gì Thiên Chúa mạc khải qua công tác rao truyền Tin Mừng. Mục đích của cuộc chiến này là ”bắt cóc” trí tuệ của con người để giúp nó đạt niềm tin vào Đức Kitô và chấp nhận Lời Chúa.

 Qua các hình ảnh và kiểu diễn tả nói trên thánh Phaolô không cố ý tuyên truyền cho khuynh hướng dùng bạo lực để lôi kéo tín đồ, bất chấp sự tự do của con người. Đây chỉ là kiểu nói ám tỷ diễn tả sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động trong lời rao giảng Tin Mừng của ngài và khơi dậy nơi những người nghe ngài giảng dậy lòng tin nhận và vâng theo Đức Giêsu. Ở đây thánh Phaolô nói tới chuyến viếng thăm sắp tới của ngài tại Côrintô (x.cc.2.11; 12,14.20.21; 13,1-3). Khi đó sẽ là lúc thánh nhân tính sổ với những người chống đối ngài. Có một điều cần ghi nhận ở đây đó là thánh Phaolô sẽ trừng phạt tín hữu vì họ không vâng phục Đức Kitô, không trung thành với Đức Kitô, chứ không phải vì họ đã xúc phạm tới con người của thánh nhân. Nhưng chuyến viếng thăm này kể ra cũng còn xa, vì thánh Phaolô muốn chờ xem thái độ vâng phục của cộng đoàn sẽ ra sao: vâng phục Tin Mừng và vâng phục lời ngài rao giảng trong tư thế là tông đồ của Chúa. Và đây cũng là mục đích chính khiến thánh nhân viết cho họ lá thư có giọng điệu cứng rắn này.

 Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng nếu tín hữu Côrintô không tin rằng ngài là một vị tông đồ can đảm, cứng rắn, và mạnh mẽ thì ít nhất là hãy biết mở mắt ra nhìn vào sự thật qúa hiển nhiên (c.7a). Nghĩa là nhìn nhận rằng Phaolô không chỉ thuộc về Đức Kitô, phục vụ Đức Kitô, ngang hàng với các thừa sai khác đang chống đối ngài, mà ngài còn có quyền bính (exusía) Chúa Kitô đã trao ban cho ngài trong tư cách là tông đồ nữa (c.8), nhưng là ”để xây dựng cho họ chứ không phải để phá hủy”. Qua đó thánh Phaolô nối liền chức tông đồ với sự lớn mạnh và trưởng thành của cộng đoàn kitô. Vị tông đồ có bổn phận giảng dậy và hoạt động làm sao để cho tín hữu toàn cộng đoàn được trưởng thành và lớn mạnh trong lòng tin.

Chức vị tông đồ là khả năng sáng tạo như một đặc sủng Chúa ban để người nhận đươc ơn đó quy tụ mọi người dưới dấu chỉ của lòng tin, nghĩa là của việc vâng theo sứ điệp Tin Mừng. Chức vụ tông đồ không tùy thuộc nơi các đức tính lạ lùng hay siêu nhiên, mà hệ tại nỗ lực phục vụ cộng đoàn liên lỉ mỗi ngày (diakonía 11,8), để xây dựng tòa nhà giáo hội. Chức vụ tông đồ không nhằm làm cho tín hữu lóe mắt, ngạc nhiên, vì những tỏ hiện ngoạn mục thiên linh, nhằm gây ra các vụ nổ tôn giáo ồn ào náo nhiệt và cằn cỗi, có tiếng mà không có miếng. Khi xác định rõ ràng là chức làm tông đồ không có mục đích hủy hoại, tàn phá, xem ra thánh Phaolô muốn ám chỉ sự kiện nhóm thừa sai kitô gốc do thái nói trên đang tàn phá cộng đoàn Côrintô mà ngài đã nhọc công xây dựng. Trong chương 11,13-15 thánh nhân sẽ gọi họ là ”bọn tôi tớ của Satan”, vì họ đánh phá Giáo Hội Chúa bằng cách quyến rũ cộng đoàn Côrintô xa rời Tin Mừng tinh tuyền của Chúa, y như Con Rắn xưa kia đã quyến rũ bà Evà phạm tội (c.3).

 Giọng điệu cứng rắn này của thánh Phaolô có thể gây hiểu lầm và cho chúng ta cảm tưởng thánh nhân dùng chiến thuật khủng bố tinh thần, gây kinh hoàng cho tín hữu. Thật ra thánh Phaolô chỉ kêu gọi tín hữu Côrintô hãy có ý thức trách nhiệm, biết đắn đo suy nghĩ và có óc phán đoán bén nhậy, chứ đừng mù quáng vào hùa, tin theo tất cả những lời tuyên truyền mà họ nghe được từ nhóm thừa sai kitô gốc do thái len lỏi vào trong cộng đoàn để gây chia rẽ rối loạn. Nếu thánh nhân có phải nặng lời răn đe tín hữu, thì đó cũng chỉ là một khía cạnh trong khoa sư phạm tâm linh. Mục đích chính vẫn là khuyến khích, khuyên nhủ họ ”qua lòng nhân thứ của Đức Kitô”, và theo gương hiền lành khiêm nhường của Đức Giêsu. Đây là một yếu tố rất ý nghĩa. Bị tố cáo là người yếu hèn nhu nhược, thánh Phaolô nhắc lại gương mặt của Đức Giêsu dịu hiền khiêm tốn, Đấng là Con Thiên Chúa, nhưng đã nhập thể làm người và tự đồng hóa với những người nghèo hèn nhất trong xã hội. Qua đó thánh Phaolô cho thấy không bao giờ được thi hành quyền tông đồ với cung cách độc tài chuyên chế và kiêu căng ngạo mạn. Vì quyền đó phát xuất từ tính chất nhân bản, từ nhân tính của Đức Giêsu thành Nagiarét, con bác thợ mộc Giuse, Đấng đã sống cuộc đời nghèo hèn ẩn dật suốt 30 năm trước khi công khai rao giảng Tin Mừng Nước Trời.


Đức Ông Linh-Tiến-Khải

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Chúa Là Đấng Hay Thương Xót (6/26/2009)
Bí Quyết Thần Diệu Để Đạt Được Điều Mong Ước (6/26/2009)
Cho Và Nhận (28/6/2009) (6/26/2009)
Suy Niệm Chúa Nhật Thứ 13b, 28/6/2009 (6/26/2009)
Đừng Tuyệt Vọng (6/26/2009)
Tin/Bài cùng ngày
Thánh Gioan Tiền Hô Và Chức Linh Mục (6/24/2009)
Tin/Bài khác
Chúa Là Đấng Hay Thương Xót (6/23/2009)
Khối Ðá Cẩm Thạch, Ngày 23 Tháng Sáu (6/23/2009)
Trở Về (6/22/2009)
Lời Kinh Đêm Chủ Nhật Của Một Linh Mục (6/22/2009)
Xe Lăn Và Hy Lễ Ban Chiều (6/22/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768