Chuyện Người Hành Hương (12)
Nguyên tác: Một Kitô hữu Nga
Biên dịch: Nguyễn Ước
ĐI TIẾP CON ĐƯỜNG
Chương Năm
Cha linh hướng: Kể từ lúc tôi gặp người hành hương ấy tới nay đã một năm. Lòng đang có ý trông ngóng người anh em tận hiến ấy thì sau cùng, có tiếng gõ cửa nhè nhẹ và có lời báo rằng anh ấy đã tới. Tôi mừng rỡ:
- Vào đi, người anh em thân mến. Chúng ta hãy cùng nhau cám tạ Thiên Chúa đã ban phúc lành cho chuyến đi của con và mang con về lại nơi này.
Người hành hương: Xin hãy chúc tụng và cám tạ sự giúp đỡ của Đức Chúa Cha trên trời vì lòng hào phóng của Ngài trong mọi sự khiến cho hình như đối với Ngài, mọi an bài của Ngài đều tốt lành và luôn luôn tốt lành cho người hành hương chúng con và cho những ai xa lạ trên đất khách. Đây, con đây, một người tội lỗi, kẻ đã giã từ cha một năm trước đây, và nhờ lòng thương của Thiên Chúa nay thêm lần nữa được gặp cha và được nghe tiếng cha vui mừng chào đón.
Và chắc là cha đang chờ nghe con kể hết mọi chuyện về thành thánh của Thiên Chúa, nơi linh hồn con khát khao đi tới, và cũng là nơi con đã trang trọng chuẩn bị cho mình một chuyến hành hương. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng thực hiện được điều mình mong muốn, và đó cũng là trường hợp của con. Và không kinh ngạc là tại sao con, một người tội lỗi tả tơi, mà lại dám cho rằng mình xứng đáng được đặt chân lên miền đất thánh mà trên đó đã in những bước chân thiêng liêng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta?
Thưa cha, cha có còn nhớ năm ngoái, con đã rời nơi này với một ông lão điếc làm bạn đồng hành, và con có mang theo lá thư của một thương gia ở Irkutsk gởi cho con trai ông ấy ở Odessa yêu cầu anh lo liệu cho con đi Giêrusalem. Đúng vậy, chỉ sau ít lâu, chúng con an toàn tới Odessa. Ông lão bạn đồng hành của con lập tức mua vé tàu đi Conxtantinốp và lên đường ngay. Riêng con bắt đầu đi tìm anh con trai của người thương gia theo địa chỉ ghi trên thư.
Chẳng mấy chốc, con tìm được anh ấy, nhưng thật hết sức sững sờ và đau đớn, con nghe rằng vị ân nhân của mình không còn trên đời nữa. Sau một cơn bệnh nguy kịch, anh lìa đời và được an táng ba tuần lễ trước. Điều đó làm con thất vọng. Tuy vậy, con tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Toàn gia đình anh đang chịu tang khó. Người quả phụ côi cút và ba đứa con thơ dại đau đớn cùng cực, lúc nào cũng khóc, khóc suốt ngày, và ngã quị trong khốn khổ. Nỗi đau đớn của bà ấy vô cùng thảm thiết, tới độ dường như bà không thể sống thêm được chút nào nữa. Trong tình trạng như vậy, bà vẫn ân cần tiếp đãi con, nhưng với hoàn cảnh làm ăn hiện tại, bà không thể gởi con đi Giêrusalem được. Tuy vậy bà vẫn yêu cầu con ở lại trong nhà khoảng hai tuần chờ cho tới khi nhạc phụ của bà đến Odessa như đã hứa, để thu xếp việc kinh doanh của tang gia đang bối rối này.
Vậy con ở lại. Một tuần trôi qua. Một tháng. Rồi thêm một tháng nữa. Nhưng thay vì đến, người thương gia viết thư nói rằng công chuyện làm ăn của ông không cho phép ông lên đường. Ông khuyên con dâu trả hết tiền lương cho những người phụ giúp rồi cho họ thôi việc và cả nhà lập tức cùng nhau dọn về sống chung với ông tại Irkutsk. Như thế, mọi sự bắt đầu xáo trộn và hối hả. Thấy nguời ta không thể để ý tới mình nữa, con cám ơn lòng hiếu khách của họ và chào từ giã. Thêm lần nữa, con lại lên đường lang thang khắp nước Nga.
Con ngẫm nghĩ mãi rằng mình đi đâu bây giờ? Cuối cùng con quyết định, trước hết mình hãy đi Kiev, nơi mình đã xa cách từ nhiều năm qua. Vậy con lên đường. Ban đầu con không khỏi phiền muộn vì không thể thực hiện được ý nguyện đi Giêrusalem, nhưng suy nghĩ lại, con thấy rằng không có gì xảy ra mà ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa. Lòng con lắng xuống với niềm hy vọng rằng Thiên Chúa, đấng yêu thương loài người, chắc chắn đánh giá ý nguyện đi Giêrusalem của con thay cho hành động của con, và Ngài không để cho chuyến đi đó bị gãy đổ mà không có sự soi sáng và giá trị tâm linh nào. Và trên thực tế, nó đã hoàn toàn đúng y như vậy; để cho con có cơ hội được gặp những người phô bày cho con thấy nhiều điều mà con không biết, và để cho sự cứu rỗi chiếu sáng linh hồn u tối của con. Và nếu không có nhu cầu đẩy con vào cuộc lang thang này thì con đã không gặp được những ân nhân tinh thần sau đây của con.
Cứ như vậy, ban ngày con đi với lời cầu nguyện Đức Giêsu, buổi tối, dừng chân khi đêm xuống, con đọc cuốn Philôkalia để củng cố và khích lệ linh hồn mình trong cuộc chiến đấu chống lại những kẻ thù vô hình của công cuộc cứu rỗi.
Đi khỏi Odessa khoảng hơn bảy mươi cây số, con gặp một chuyện rất đáng kinh ngạc. Có một đoàn dài chừng ba mươi xe ngựa chất đầy hàng hóa, và con theo kịp chúng. Xa phu chiếc thứ nhất dẫn đầu đoàn xe là một thanh niên. Anh đi bộ bên con ngựa của mình. Những xa phu khác cũng đi bộ theo sau anh, thành từng nhóm rải rác. Con đường dẫn ngang một cái ao có suối nước chảy qua. Theo dòng suối, những tảng băng mùa xuân đang tan xô đẩy nhau trôi, va đập vào nhau thành tiếng ầm ầm khủng khiếp. Đột nhiên, người thanh niên đầu đoàn dừng ngựa làm đoàn xe nối dài phía sau cũng đứng sững lại. Các xa phu khác chạy lên, thấy anh đang cởi quần áo. Họ hỏi anh tại sao làm như vậy. Anh trả lời rằng anh thèm tắm ao. Vài xa phu kinh ngạc và bắt đầu chế nhạo anh. Có người rầy la anh, gọi anh là khùng. Người lớn tuổi nhất trong đám và là anh ruột của anh, cố ngăn cản anh, đưa tay đẩy anh lên đằng trước, thúc anh tiếp tục đi. Anh cự lại, nói là phải để cho mình ít nhất cũng thực hiện cái ước muốn mà mình đã nói ra. Vài xa phu trẻ bắt đầu múc nước ao xối lên mình ngựa. Một kẻ nghịch ngợm dội nước lên người anh, dội lên đầu và tạt từ sau lưng. Vừa tạt vừa nói:
- Đây, nước đây. Tụi tôi tắm cho anh đây.
Khi nước vừa chạm vô người, anh la lớn:
- A, đã quá, đã quá.
Và ngồi bệt xuống đất. Họ tiếp tục dội nước lên người anh. Chẳng được bao lâu, anh nằm xuống, im lìm rồi chết.
Ai nấy đều hết sức kinh hoàng, không nghĩ ra được tại sao lại xảy tới chuyện như vậy. Những người lớn tuổi bối rối hết sức, nói rằng phải báo cáo với nhà chức trách, trong khi những người còn lại thì kết luận rằng chính số phận của anh khiến anh phải chết kiểu đó.
Con ở lại với họ trong vòng một giờ, rồi tiếp tục lên đường. Đi đượïc chừng hơn năm cây số, con thấy kế bên triền dốc có một làng. Vào làng, con gặp cha xứ già đang đi trên đường làng. Con nghĩ mình nên kể cho ông ấy nghe chuyện vừa chứng kiến và tìm hiểu xem ông nghĩ ra sao về chuyện đó. Cha sở đưa con vô nhà. Con kể mọi sự với ông, rồi xin ông giải thích cho con hiểu lý do nào xảy ra như vậy. Cha xứ trả lời:
"Người anh em thân mến ạ, ta chỉ có thể nói với con như thế này, còn ngoài ra ta không biết gì hơn, rằng trong thiên nhiên có nhiều điều kỳ diệu mà tâm trí chúng ta không thể hiểu thấu. Ta nghĩ rằng chuyện đó cũng được do Thiên Chúa an bài để tỏ ra cho loài người thấy qui luật và sự quan phòng của Ngài trong thiên nhiên một cách rõ ràng hơn, qua những trường hợp nhất định thuộc về những thay đổi có tính cách phi tự nhiên và trực tiếp của qui luật thiên nhiên. Chính ta cũng từng chứng kiến một trường hợp giống như vậy.
"Gần làng ta đây có một hẻm núi vách đá dựng đứng, bề ngang không rộng lắm, nhưng bề sâu rất sâu, tới vài ba chục thước. Nhìn xuống đáy vực của nó thấy âm u thật dễ sợ. Ngang vực, người ta bắc cầu treo. Trong họ đạo của ta có một anh nông dân, đã có gia đình, sống rất tư cách, bỗng dưng bị ám ảnh bởi một nỗi thèm khát vô cớ và không cưỡng lại được là muốn đứng trên cầu treo mà gieo mình xuống hẻm núi sâu ấy. Suốt một tuần lễ, anh chống cự lại ý nghĩ và sự thôi thúc đó. Sau cùng, tới một buổi sáng, anh không thể kềm nổi mình nữa. Anh thức dậy thật sớm, chạy ra khỏi nhà rồi lao mình xuống vực sâu. Liền khi đó, người ta nghe tiếng anh kêu la, cả hai chân bị gãy. Phải khó khăn lắm người ta mới kéo được anh ra khỏi hốc đá. Khi có người hỏi tại sao anh làm như vậy thì anh trả lời rằng dù lúc này thể xác còn đau đớn ghê gớm nhưng anh cảm thấy tinh thần thư thái vì đã thực hiện được nỗi ước muốn không cưỡng lại được đó. Anh đã bồn chồn suốt một tuần lễ vì thèm được làm như vậy và anh sẵn sàng liều tính mạng để thỏa mãn nó.
"Anh ở hết một năm trong nhà thương mới lại người. Ta thường đến thăm anh và gặp các bác sĩ đang điều trị cho anh. Cũng như con, ta muốn họ nói cho ta biết lý do tại sao anh ta làm như vậy. Các bác sĩ chỉ giải đáp cho ta có một tiếng thôi, là 'điên cuồng'. Khi ta yêu cầu họ giải thích về mặt khoa học rằng đó là cái gì và cái gì tác động lên trên nó để tấn công con người, thì họ không cho ta biết thêm gì nữa. Họ chỉ nói rằng đó là một trong những bí mật của thiên nhiên, không vén lộ ra cho khoa học. Về phần ta, ta nhận xét rằng nếu như trong sự bí nhiệm của thiên nhiên ấy mà con người hướng tới Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện và cũng nói cho người ngay lành biết về sự cầu nguyện thì lúc đó sự 'điên cuồng' không cưỡng nổi kia sẽ không đạt được mục đích của nó.
"Quả thật, có nhiều cái chúng ta gặp trong cuộc sống con người mà chúng ta không thể nào hiểu rõ ràng."
Trong khi cha sở và con chuyện vãn thì trời tối dần. Con nghỉ qua đêm ở đó. Sáng hôm sau, ông xã trưởng cử thư ký tới xin cha sở cho phép an táng người thanh niên đã chết ấy trong nghĩa địa, và nói rằng sau khi giảo nghiệm, bác sĩ không tìm thấy dấu hiệu điên khùng nào và cho rằng lý do chết là vì chấn động tim mạch.
Cha sở nói với con:
- Con coi đó, y khoa không thể đưa ra lý do chính xác về sự thôi thúc không cưỡng nổi của anh ta đối với nước.
ĐI TIẾP CON ĐƯỜNG
Con cũng chào từ giã cha xứ, tiếp tục con đường của mình. Sau vài ngày đi đường và cảm thấy hơi mệt mỏi, con tới một thị trấn thương mại khá sầm uất tên là Byelaya Tserkov. Khi trời chạng vạng, con bắt đầu nhìn quanh tìm chỗ trọ qua đêm. Trong chợ, tình cờ con thấy một người trông có vẻ là khách hành hương. Anh đang hỏi dò các sạp hàng địa chỉ của một người nào đó sinh sống ở đây. Khi thấy con, anh đi tới phía con và nói:
- Trông anh như thể cũng là người hành hương; vậy chúng mình đi chung tìm một người tên Evreinov sống ở thị trấn này. Ông ấy là một Kitô hữu tốt lành, chủ một quán trọ sang trọng và thường vui vẻ tiếp đón người hành hương. Anh coi này, tôi có mấy chữ viết về ông ấy đây.
Con vui mừng đồng ý. Và rồi chẳng bao lâu, chúng con tìm được nhà ông. Dù chủ nhân không có nhà nhưng vợ ông, một bà lão dễ thương, đón tiếp chúng con rất ân cần và cho chúng con ở lại nơi gác xép nhỏ, riêng biệt và khuất trên rầm thượng. Chúng con ngồi xuống nghỉ ngơi một lúc.
Sau đó, ông chủ về tới, mời chúng con cùng dùng bữa với họ. Trong khi ăn tối, chúng con trò chuyện - rằng mình là ai, mình từ đâu đến - và rồi bằng cách này cách nọ, cuộc đàm đạo đưa đẩy tới câu hỏi tại sao ông chủ nhà lại có tên là Evreinov. Ông sẵn sàng trả lời và bắt đầu câu chuyện như sau.
"Tôi sẽ kể cho các anh nghe chuyện không đáng để ý đó. Các anh thấy, nó như thế này:
"Cha tôi là người Do thái. Ông sinh ở Shklov. Ông ghét người Kitô giáo. Ngay từ lúc nhỏ, ông đã dọn mình để làm thầy cả Do thái giáo và chịu khó sưu tập các đề tài tán gẫu có ý nghĩa bài xích Kitô giáo. Tới một ngày nọ, ông tình cờ đi ngang một nghĩa trang Kitô giáo. Ông thấy ở đó có một sọ người, chắc là vừa bị đào lên từ một ngôi mộ bị người ta quấy phá nào đó. Sọ còn đủ hai hàm răng, từ trong đầu lâu nhe ra như hăm he người ta. Nổi xung, ông trêu chọc chiếc sọ. Ông nhổ nước bọt lên trên nó, hành hạ nó, dùng chân hất đi hất lại. Chưa hả dạ, ông lượm nó lên, đặt trên đầu một chiếc cột - theo kiểu người ta thường gài xương thú vật lên đó để xua đuổi lũ chim háu ăn. Sau khi đùa giỡn thỏa thích kiểu đó, ông về nhà. Đêm đó ông đang ngủ thật say thì bỗng có một người không quen hiện ra với ông, mắng nhiếc ông dữ dội rằng:
-Tại sao ngươi dám sỉ nhục nắm xương tàn còn sót lại của ta? Ta là một Kitô hữu - còn ngươi, ngươi là kẻ nghịch của Đức Kitô.
"Từ đó, đêm nào cũng lặp đi lặp lại vài lần sự hiện hình đó và cha tôi không ngủ nghỉ gì được nữa. Rồi luôn cả ban ngày, hình ảnh đó cũng vụt hiện ra trước mắt ông và ông còn nghe giọng nói khiển trách đó vang lên lanh lảnh. Thời gian càng trôi qua thì sự hiện hình đó càng thường xuyên hơn. Sau cùng, ông bắt đầu cảm thấy lo lắng, hoảng sợ, sức khỏe sa sút. Ông tới gặp vị thầy cả Do thái của mình, xin vị ấy đọc kinh và trục quỉ. Nhưng sự hiện hình ấy chẳng những không chấm dứt mà còn xuất hiện đều đặn hơn, hăm dọa ông hơn.
"Người ta bắt đầu nghe biết tới tình trạng của ông. Trong số những người bạn làm ăn với ông có một Kitô hữu. Người ấy mở lời khuyên ông chấp nhận Kitô giáo và tận tình thuyết phục ông rằng đó là cách độc nhất giúp ông loại bỏ được sự hiện hình quấy phá ấy. Nhưng cha tôi là người Do thái, ông không thích cách giải quyết đó. Ông trả lời:
-Tôi sẽ sung sướng làm theo ý muốn của anh nếu tôi được thoát khỏi sự hiện hình hành hạ và hết chịu nổi này.
"Người Kitô hữu nghe nói như vậy thì vui mừng, thuyết phục cha tôi nên thỉnh cầu vị giám mục địa phương ban phép rửa tội, và chấp nhận cho ông vào giáo hội Kitô. Thỉnh cầu đó được viết thành văn bản, và cha tôi, một người Do thái, ký vào đơn mà lòng không sốt sắng lắm. Và coi kìa, lạ chưa, vừa ký xong tờ thỉnh nguyện đó là việc hiện hình ấy chấm dứt ngay và không bao giờ còn quấy phá cha tôi nữa. Vô cùng mừng rỡ và tâm trí hoàn toàn yên ổn, ông cảm thấy đức tin vào Đức Giêsu Kitô nồng cháy tới độ ông đi thẳng tới gặp vị giám mục, kể cho ngài nghe hết câu chuyện và bày tỏ lòng khao khát được làm Kitô hữu. Ông sốt sắng học rất nhanh các tín điều đức tin Kitô giáo.
"Sau lễ rửa tội, cha tôi dọn tới sống tại thị trấn này. Ở đây, ông kết hôn với mẹ tôi, một phụ nữ Kitô giáo ngay lành. Ông sống một cuộc đời ngoan đạo, bình an và rất rộng rãi với người nghèo. Ông dạy tôi bắt chước ông. Trước khi qua đời, ông chúc lành cho tôi và trối trăn buộc tôi phải sống giống như vậy. Và như hai anh thấy - đó là lý do tôi có tên Evreinov mà theo nghĩa đen là con trai của một người Do thái."
Với lòng tôn kính và khiêm tốn, con lắng nghe câu chuyện đó, và con nhủ thầm:
- Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta nhân lành và ân cần biết bao, và tình yêu của ngài lớn lao biết bao! Bằng những đường lối muôn hình muôn vẻ, Ngài kéo người tội lỗi đến với Ngài. Với sự khôn ngoan vô hạn, ngài dùng tới cái ít quan trọng nhất để dẫn tới cái trọng đại. Ai mà có thể ngờ rằng qua những trò đùa giỡn quái ác của một người Do thái với những chiếc xương tàn nào đó mà đưa người ấy tới sự am hiểu chân chính Đức Giêsu Kitô và là phương tiện dẫn dắt người ấy tới một cuộc sống tận hiến?
Sau khi ăn tối, chúng con cám ơn Thiên Chúa và ông chủ nhà, rồi rút về nghỉ ngơi nơi gác xép. Chúng con chưa muốn đi ngủ nên tiếp tục chuyện vãn. Người bạn của con kể với con rằng anh từng là một thương gia ở Mogilev. Anh vừa trải qua hai năm làm tu sinh tại một trong các đan viện ở Bessarabia nhưng giấy đi lại chỉ được cấp với thời hạn cố định. Lúc này anh đang trên đường về nhà, lấy sự chấp thuận của cộng đồng thương mại để sau cùng, gia nhập hẳn đời sống tu viện. Anh nói:
- Tôi rất thích các đan viện ở đó với các qui chế, dòng tu và đời sống nghiêm nhặt của nhiều tôn sư linh hướng tận tụy sống trong đó.
Anh đoan chắc với con rằng nếu đặt các tu viện Bessarabia bên cạnh các tu viện Nga thì như đem so sánh trời với đất. Anh thuyết phục con nên làm giống như anh vậy.
Trong khi chúng con đang nói tới những việc đó thì người ta đưa một người thứ ba lên gác xép của chúng con. Đó là một sĩ quan trừ bị, tạm thời ở trong quân đội, và lúc này anh đang trên đường về phép. Thấy anh đã mệt lả vì đi đường, chúng con cùng nhau đọc kinh rồi nằm xuống ngủ.
Sáng hôm sau, chúng con thức dậy thật sớm và bắt đầu sửa soạn lên đường. Chúng con đang muốn đi cám ơn và chào từ giã ông bà chủ nhà thì đột nhiên nghe có tiếng chuông nhà thờ báo thánh lễ buổi sáng. Người thương gia tu sinh và con bàn với nhau rằng mình nên làm gì lúc này. Một khi đã nghe tiếng chuông thì làm sao mình có thể lên đường mà không tới nhà thờ? Cách tốt là ở lại, đi nhà thờ, dự thánh lễ buổi sáng, đọc kinh xong rồi lên đường với lòng vui sướng hơn. Vậy, chúng con quyết định như thế và nói với viên sĩ quan. Nhưng anh đáp:
- Tại sao đang trên đường đi mà các anh lại vào nhà thờ? Nếu chúng ta tới nhà thờ thì lợi ích gì cho Thiên Chúa chứ? Chúng ta hãy lên đường về nhà rồi đọc kinh sau. Hai anh có muốn đi nhà thờ cứ việc đi còn tôi thì không. Trong lúc các anh đang đứng dự thánh lễ thì tôi đã đi được năm sáu cây số hoặc xa hơn nữa trên lộ trình của mình rồi, và tôi muốn về nhà càng sớm càng tốt.
Anh thương gia trả lời:
- Coi kìa, người anh em, đừng chạy quá xa tới đằng trước theo kế hoạch của mình và để cho tới khi ấy mới biết ra kế hoạch của Thiên Chúa như thế nào!
Như thế, hai chúng con tới nhà thờ, còn viên sĩ quan thì lên đường.
Chúng con ở lại dự xong buổi đọc kinh và dự cả thánh lễ. Rồi chúng con trở về gác xép lấy ba lô, sẵn sàng lên đường. Ngay lúc đó bà chủ nhà mang bếp lò vào. Bà nói:
- Hai anh đi đâu vậy? Ở lại uống trà đã - và dùng bữa sáng với chúng tôi. Chúng tôi không thể để các anh lên đường mà bụng đói.
Vậy, chúng con ở lại. Mọi người ngồi bên bếp lò được nửa giờ thì thình lình viên sĩ quan trừ bị chạy vào, vừa thở hổn hển vừa nói:
- Tới được với các anh đây là tôi vừa khổ vừa vui.
Chúng con hỏi anh:
- Chuyện gì vậy?
Anh kể:
"Khi vừa chia tay với các anh để lên đường, tôi nghĩ mình nên tìm tới một quán rượu đổi ít tiền lẻ và đồng thời uống chút rượu để đi cho hăng hái. Và tôi làm như vậy. Tôi đổi tiền lẻ, uống ly rượu rồi phóng mình đi như chim. Đi được ba cây số, tôi chợt nảy ý nghĩ đếm lại sô tiền mà người bán rượu đã đưa cho mình. Tôi ngồi xuống lề đường, lấy sổ tay ra, kiểm soát tất cả. Mọi sự ổn thỏa, nhưng tôi bỗng chóng mặt chóng mày: sổ thông hành của tôi đâu mất rồi - chỉ còn tiền và vài giấy tờ. Tôi rụng rời như thể bị cụt đầu. Trong chớp nhoáng, tôi thấy điều gì đã xảy ra. Chắc chắn mình đánh rơi nó khi trả tiền nơi quán rượu. Tôi phải quay lui.
"Tôi chạy và chạy. Một ý tưởng khủng khiếp túm lấy tôi: giả dụ nó không có ở đó! Cái đó thiệt là bấn loạn hết sức! Tôi nhào tới người đàn ông đứng sau quầy rượu, hỏi anh ta. Anh ta trả lời:
- Tôi không thấy nó.
"Thật là nản! Được, tôi tìm khắp quán, lùng sục mọi chỗ, mọi nơi hồi nãy tôi đã đứng và đã đi lui đi tới. Và rồi các anh có biết ra sao không? May quá, tôi thấy sổ thông hành của mình. Nó đây rồi, vẫn xếp gọn gàng, nằm dưới đất chung với rơm rác, bị chân người ta dẫm lên nhớp nhúa. Cám tạ Thiên Chúa! Nói thật với các anh là tôi rất mừng rỡ, như thể một hòn núi lăn khỏi vai mình. Dĩ nhiên nó dơ Bẩn dính bùn bê bết làm tôi như bị ai tát vô đầu, nhưng nó không rách. Dù sao đi nữa, tôi có thể về nhà và trở lại đơn vị an toàn. Tôi về đây kể cho các anh nghe chuyện đó. Và còn nữa, là trong khi vừa hoảng hồn vừa chạy, tôi đã làm trầy trụa bàn chân mình và lúc này, tôi không lê nổi chân nữa. Nên tôi tới đây xin ít thuốc mỡ để xức chân."
Người thương gia tu sinh bắt đầu có ý kiến:
"Ra là thế, anh bạn, đó là vì bạn không nghe lời đi với chúng tôi tới nhà thờ. Bạn muốn đi trước chúng tôi một quãng xa, rồi ngược lại, bạn lại quay về chỗ cũ, và thêm nữa, còn phải đi khập khễnh. Tôi đã bảo bạn đừng chạy xa tới đằng trước với kế hoạch của mình; và lúc này bạn đã thấy nó thành ra như thế nào. Bạn không tới nhà thờ là việc nhỏ, nhưng bên cạnh đó, bạn dùng lối nói như: 'Chúng ta cầu nguyện thì có lợi ích gì cho Thiên Chúa?' Người anh em ạ, cái đó tệ. Dĩ nhiên Thiên Chúa không cần tới những lời kinh tội lỗi của chúng ta, có điều, bằng tình Ngài yêu thương chúng ta, Ngài thích chúng ta cầu nguyện. Và không chỉ lời cầu nguyện thánh thiện - do chính Đức Chúa Thánh Thần giúp chúng ta dâng lên và làm phát sinh trong lòng chúng ta - làm Ngài hài lòng, bởi chính Ngài đòi hỏi điều đó nơi chúng ta khi Ngài nói: 'Hãy ở trong Ta và Ta ở trong ngươi', mà mọi dự tính, mọi thôi thúc, kể cả mọi ý nghĩ của chúng ta hướng tới sự vinh hiển của Ngài và tới sự cứu rỗi của chúng ta cũng đều có giá trị trong mắt Ngài .Vì hết thảy những cái vừa kể mà lòng ân cần đầy yêu thương không bờ bến của Thiên Chúa ban xuống cho chúng ta những phần thưởng trọng hậu. Tình yêu của Thiên Chúa ban cho ơn sủng gấp ngàn lần so với giá trị hành vi của con người.
|