Chuyện Người Hành Hương (14)
Nguyên tác: Một Kitô hữu Nga
Biên dịch: Nguyễn Ước
ĐI TIẾP CON ĐƯỜNG
Qua hôm sau, nhờ sự giúp đỡ của Thiên Chúa, con tới Kiev. Việc đầu tiên và chính yếu mà con muốn là chay tịnh trong ít lâu rồi xưng tội và rước lễ trong thành phố thánh thiện này. Do đó, con dừng chân chân gần nơi các thánh để tới nhà thờ cho tiện. Một ông lão Cô-dắc tốt lành nhận cho con ở chung. Vì ông lão sống trong túp lều nhỏ một thân một mình nên con cảm thấy chỗ đó thật bình an và yên lặng. Tới cuối tuần, trong khi xét mình sửa soạn xưng tội, con chợt nảy ra ý nghĩ rằng mình nên xưng tội càng hết sức chi tiết càng tốt. Vậy, con bắt đầu ôn lại và xét mọi tội lỗi của mình một cách rất đầy đủ, từ lúc con còn nhỏ cho tới lúc này. Để không quên sót chút nào, con ghi ra hết mọi tội lỗi mà mình có thể nhớ được. Con viết chúng ra đầy một tờ giấy lớn.
Con nghe người ta nói tại Kitaevaya Pustina, cách Kiev khoảng tám cây số, có một linh mục sống đời khổ hạnh, rất khôn ngoan và rất am hiểu. Ai đến xưng tội với ông đều tìm thấy một bầu không khí từ bi đằm thắm và ra đi với lời giảng dạy cho sự cứu rỗi chính mình và với tinh thần thanh thản. Nghe như vậy con rất vui mừng, lập tức tìm tới vị linh mục đó.
Sau khi xin lời khuyên bảo của ông và hai cha con chuyện vãn được một lúc, con trình ông xem tờ giấy của con. Ông đọc hết từ trên xuống dưới rồi nói:
- Bạn thân mến, nhiều cái mà bạn viết ra đây thật không ích lợi chút nào. Bạn nghe đây: Thứ nhất, đừng mang tới tòa cáo giải những tội mà bạn đã sám hối hoặc đã được tha. Đừng nhắc lại chúng thêm lần nữa vì làm như thế là bạn nghi ngờ quyền năng của phép bí tích thống hối. Thứ hai, đừng đề cập tới những kẻ có liên quan tới tội lỗi của mình mà chỉ xét riêng bản thân mình thôi Thứ ba, các Giáo phụ thánh thiện nghiêm cấm chúng ta không được nhắc tới nguyên vẹn và chi tiết hoàn cảnh phạm tội; các ngài bảo chúng ta chỉ xưng chúng ra một cách tổng quát và làm như vậy là để tránh cho bản thân mình và cho linh mục giải tội khỏi cơn cám dỗ. Thứ tư, bạn tiến hành sám hối mà bạn không đang sám hối cái sự việc rằng bạn không thể sám hối - nghĩa là, sự sám hối của bạn có tính cách hờ hững và cẩu thả. Thứ năm, bạn xét qua tất cả với đầy đủ các chi tiết nhưng bạn không chú ý tới cái quan trọng nhất, nghĩa là, bạn không vạch ra những tội trọng nhất, nặng hơn tất cả. Bạn không thừa nhận và bạn cũng không viết ra rằng bạn không yêu thương Thiên Chúa, rằng bạn ghét người bên cạnh, rằng bạn không tin vào Lời Thiên Chúa, và rằng lòng bạn tràn đầy kiêu hãnh và tham vọng. Nói chung, toàn bộ sự dữ và toàn bộ sự sa đọa tâm linh của chúng ta nằm trong bốn tội lỗi đó. Bốn cái đó là những cội rễ chính yếu mà từ đó đâm chồi tất cả những tội lỗi mà chúng ta sa ngã.
Con vô cùng sửng sốt khi nghe những lời ấy, và con thưa:
- Thưa cha đáng kính, xin tha thứ cho con, nhưng làm sao con có thể không yêu thương Thiên Chúa Đấng tạo dựng chúng ta và là Đấng gìn giữ chúng ta? Nếu con không tin vào Lời Thiên Chúa mà trong lời đó mọi điều đều chân chính và thánh thiện thì con tin vào cái gì? Con ao ước mọi sự tốt lành cho hết thảy những người bên cạnh con thì làm sao con ghét họ? Ngoài vô số tội lỗi của mình ra, con chẳng có gì đáng để hãnh diện, ngoài sự nghèo khó và bệnh hoạn của mình ra, con cũng chẳng có gì đáng để được ca ngợi thì con đâu có gì nữa mà tham với muốn? Dĩ nhiên, nếu con là người có học thức hoặc có tiền của, thì lúc đó chắc chắn là con đã có phạm những tội lỗi mà cha vừa đề cập tới.
Nghe tôi nói như vậy, vị linh mục trả lời:
- Bạn thân mến ạ, bạn thật đáng thương. Bạn hiểu quá ít ỏi về những điều ta vừa nói. Coi đây! Nếu ta đưa cho bạn tờ ghi chú này thì bạn sẽ học hỏi được nhanh hơn. Đây là những điều ta luôn luôn dùng cho việc xưng tội của chính mình. Bạn hãy đọc chúng từ đầu tới cuối và bạn sẽ thấy khá rõ ràng chứng cớ xác thực về những điều mà ta nói với bạn lúc này.
Ông đưa con mấy tờ giấy ghi chú, và con bắt đầu đọc thấy như sau:
VIỆC XƯNG TỘI ĐƯA CON NGƯỜI TỚI KHIÊM TỐN
Trong khi trang trọng hướng mắt nhìn vào bản thân và quan sát diễn tiến trạng thái tâm hồn mình, tôi xét thấy rằng mình không yêu thương Thiên Chúa, rằng mình không yêu thương người bên cạnh, rằng mình tràn đầy kiêu hãnh và ham muốn xác thịt. Nhờ kết quả việc xét một cách chi tiết các cảm xúc và hạnh kiểm của mình, tôi quả thật tìm thấy trong bản thân mình tất cả những sự đó, như sau:
1. Tôi không yêu thương Thiên Chúa. Nếu tôi yêu thương Thiên Chúa thì chắc chắn lúc nào tôi cũng nghĩ tới Ngài với lòng vui sướng chân thành. Ngược lại, tôi nghĩ tới những gì trần thế một cách thường xuyên hơn và háo hức hơn; và tôi thấy nghĩ tới Thiên Chúa là một việc khó khăn và khô khan. Nếu tôi yêu thương Thiên Chúa thì lúc ấy, việc trò chuyện với Ngài bằng lời cầu nguyện đã thành lương thực nuôi dưỡng tôi và thành niềm hân hoan của tôi, lôi kéo tôi tới sự hiêp thông bền vững với Ngài. Ngược lại, không những tôi không thích thú việc cầu nguyện mà tôi còn cảm thấy đó là một sự cố gắng. Đối với việc cầu nguyện, tôi vật vã miễn cưỡng, tôi yếu ớt uể oải nhưng mặt khác, tôi hăng say để cho mình sẵn sàng bị chiếm lĩnh bởi bất cứ chuyện vặt vãnh không quan trọng nào nếu cái đó rút ngắn được việc cầu nguyện hoặc giữ cho tôi khỏi cầu nguyện. Trong những công chuyện vô ích tôi không để ý thời gian trôi qua nhanh hay chậm, nhưng khi tôi ở với Thiên Chúa, khi đặt mình trong sự có mặt của Ngài thì tôi thấy mỗi giờ trôi qua có vẻ dài như một năm. Nếu người ta yêu người nào thì nghĩ tới người ấy suốt ngày, lo lắng cho người ấy, và trong bất cứ hoàn cảnh nào, người yêu quí ấy cũng không bao giờ nằm ngoài tâm tưởng mình. Còn tôi, suốt cả ngày, hiếm khi tôi bỏ ra dù chỉ một tiếng đồng hồ thôi để đắm mình trong chiêm nghiệm Thiên Chúa, để làm bừng nóng con tim mình với tình yêu Ngài; trong khi đó, tôi háo hức bỏ ra hai mươi bốn giờ làm của tiến dâng nhiệt thành cho các thần tượng mà mình say mê. Tôi hăng hái trò chuyện về những vấn đề và những việc phù phiếm mà tôi cảm thấy khoái trá và làm suy thoái tâm linh. Còn đối với việc suy ngẫm về Thiên Chúa thì tôi khô khan, tẻ nhạt và lười biếng. Cho dù có miễn cưỡng nghe theo lời lôi kéo của người khác mà dự vào cuộc đàm đạo tâm linh, tôi cũng cố gắng chuyển thật lẹ đề tài ấy qua một đề tài nào đó đáp ứng được lòng ham muốn thích thú của tôi. Tôi tò mò không biết mệt về những cái mới lạ, về những việc liên quan tới người công dân và các biến cố chính trị. Tôi nao nức tìm kiếm sự thỏa mãn cho sở thích am hiểu về khoa học nghệ thuật, và bằng mọi cách, làm sao để mình có cho được cái mà mình muốn có. Còn đối với việc học hỏi lề luật của Thiên Chúa, việc am hiểu về Thiên Chúa và về tôn giáo thì tôi ít khi nghĩ tưởng tới và linh hồn tôi không có chút ao ước thỏa mãn nào. Tôi coi những cái đó không chỉ là việc bận rộn không cần thiết đối với người Kitô hữu mà còn như một loại vấn đề phụ, có cũng được mà không cũng được, không lấp đầy thì giờ thừa thãi trong những lúc nhàn rỗi của tôi. Diễn tả một cách ngắn gọn, nếu tình yêu Thiên Chúa được chứng tỏ bằng việc giữ các giới răn của Ngài -như Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã nói rằng: "Nếu anh chị em yêu thương Ta thì hãy giữ các giới răn của Ta" - thì không những tôi đã không giữ chúng mà còn ít khi cố gắng để giữ chúng. Như vậy, theo đó mà kết luận thì thực tế dứt khoát là tôi không yêu thương Thiên Chúa. Đó là điều Thánh Basiliô Cả đã nói: "Bằng chứng của một người không yêu thương Thiên Chúa và Đức Kitô của nó nằm trong thực tế rõ ràng rằng kẻ đó không giữ các giới răn của Ngài."
2. Tôi cũng không yêu thương người bên cạnh mình. Vì không những tôi không thể quyết định hy sinh mạng sống của mình cho người bên cạnh (theo Tin Mừng) mà tôi còn không hy sinh hạnh phúc, phúc lợi và sự yên ổn của tôi cho sự tốt lành của người bên cạnh mình. Nếu tôi yêu thương người bên cạnh như bản thân mình, như Tin Mừng ra lệnh, thì tôi lo buồn vì những rủi ro bất hạnh của người ấy và cũng sung sướng vì hạnh phúc của người ấy. Nhưng ngược lại, tôi lắng nghe những chuyện thọc mạch và bất hạnh về người bên cạnh mình mà tôi không chút gì lo buồn; lòng tôi vẫn cảm thấy bình thản hoặc tệ hơn nữa, tôi cảm thấy có một loại khoái trá nào đó. Người anh em của tôi hạnh kiểm có phần nào xấu, tôi đã không che đậy với tình yêu thương mà còn loan truyền rộng rãi với phê bình chỉ trích. Phúc lợi, danh dự và hạnh phúc của người bên cạnh không làm tôi mừng rỡ như là của chính tôi, nhưng chúng như là cái gì đó xa lạ với tôi, không làm cho tôi cảm thấy vui sướng. Hơn nữa, chúng còn làm phát sinh trong lòng tôi, một cách khó thấy rõ, những cảm giác ganh tị hoặc xem thường.
3. Tôi không có niềm tin tôn giáo. Tôi không tin vào sự bất tử cũng như không tin vào Tin Mừng. Nếu tôi có lòng tin vững chắc và không chút nghi ngờ rằng bên kia nấm mộ có yên nghỉ một sự sống vĩnh cửu và sự thưởng phạt cho mọi hành vi của ta trong cuộc đời này, thì chắc chắn tôi đã suy nghĩ liên tục về điều đó. Ngay ý tưởng về sự bất tử chắc chắn cũng đã làm tôi kinh hãi và khiến tôi sống cuộc đời này như một người khách lạ, sẵn sàng trở về quê hương cố thổ của mình. Ngược lại, tôi không nghĩ gì tới sự vĩnh cửu và tôi xem sự chấm dứt cuộc đời trần thế này như một giới hạn cuối cùng cho đời sống của tôi. Trong lòng tôi ẩn náu ý tưởng thầm kín rằng: "Ai biết lúc chết sẽ xảy tới cái gì?" Nếu tôi có nói rằng tôi tin vào sự bất tử thì lúc ấy chẳng qua chỉ là tôi đang nói trong tâm trí mình, còn trong con tim mình thì khác xa, không dính dáng gì tới niềm xác tín bền vững vào điều đó. Thực tế ấy được chứng tỏ một cách công khai bằng hạnh kiểm của tôi và việc tôi thường xuyên lo lắng làm sao cho thỏa mãn cuộc sống theo các giác quan. Nếu Lời Thiên Chúa, cả Tin Mừng cũng như đức tin, được tôi đem vào tâm hồn mình thì chắc chắn tôi đã liên tục bị chiếm lĩnh bởi những cái đó; chắc chắn tôi đã học hỏi Lời Thiên Chúa, cảm thấy vui sướng trong nó, và với sự tận hiến sâu xa tôi đã hướng hêt sự chú ý của mình vào nó; trong Lời Thiên Chúa ẩn kín Khôn ngoan, Bác ái và Tình yêu, nó nhất định đưa tôi tới hạnh phúc và tôi chắc chắn tìm thấy sự hân hoan trong việc ngày đêm học hỏi lề luật của Thiên Chúa; trong Lời Thiên Chúa, chắc chắn tôi tìm thấy của ăn giống như lương thực hằng ngày, và tâm hồn tôi chắc chắn được lôi cuốn vào việc giữ các lề luật của nó. Trái lại, nếu thỉnh thoảng tôi mới đọc hoặc nghe Lời Thiên Chúa, dù chỉ làm như vậy vì có việc cần hoặc vì sở thích am hiều tổng quát, và tới gần nó mà không có sự chú ý mật thiết nào, thì tôi cảm thấy Lời Thiên Chúa lờ đờ và không thú vị. Thường thường, tôi đọc cho hết bài đọc Lời Thiên Chúa mà không cảm thấy ích lợi gì và cũng chỉ để sẵn sàng chuyển qua đọc một bài đọc thế tục khác mà trong đó tôi cảm thấy khoan khoái hơn, cảm thấy tìm được các vấn đề mới mẻ và thích thú hơn.
4. Tôi tràn đầy kiêu hãnh và ham muốn xác thịt. Hết thảy các hành động của tôi đều xác nhận điều đó. Thấy trong con người mình có cái gì tốt, tôi muốn đem cái đó ra bên ngoài, hoặc lấy làm kiêu hãnh về nó trước mặt người khác, hoặc thầm kín trong lòng tự mình ngưỡng mộ mình về nó. Dù bên ngoài tôi tỏ ra khiêm tốn, nhưng tôi cho rằng có được cái tốt đó là hoàn toàn do bởi ưu điểm của mình, và tôi đánh giá mình là người nổi bật hơn những kẻ khác, hoặc ít ra không tệ như họ. Nếu nhận ra trong mình có lỗi lầm nào, tôi ra sức bào chữa nó; tôi bao che nó bằng cách nói rằng: "Tôi bị hoàn cảnh bắt buộc phải làm như vậy", hoặc rằng: "Tôi không đáng bị khiển trách." Tôi nổi giận với những ai không cư xử tôn trọng tôi và tôi xem kẻ đó là người không có khả năng tán thưởng giá trị của người khác. Tôi khoe khoang các năng khiếu của mình: những thất bại của mình trong công việc do mình đảm trách bị tôi coi là những xúc phạm tới cá nhân tôi. Tôi xầm xì và cảm thấy khoan khoái về các bất hạnh của kẻ thù của mình. Nếu tôi có phấn đấu cho cái tốt lành thì chỉ với mục đích đạt đượïc lời khen ngợi hoặc đam mê lạc thú tinh thần hoặc sự khuây khỏa có tính cách trần tục. Tóm lại, tôi liên tục sùng bái bản thân mình và triền miên phục vụ nó; tìm kiếm trong mọi sự những khoái lạc nhục cảm và những của nuôi cho các đam mê và thèm muốn xác thịt của mình.
Xét lại mọi sự ấy, tôi thấy mình kiêu hãnh, ngoại tình, vô tín ngưỡng, không yêu thương Thiên Chúa và ghét người bên cạnh mình. Liệu còn tình trạng nào tội lỗi hơn nữa không? Tình trạng của tôi còn tệ hại hơn của các linh hồn đang sống chốn tối tăm. Họ dù không yêu thương Thiên Chúa, ghét loài người và sống trong kiêu ngạo, nhưng ít ra họ còn tin tưởng và run sợ. Còn tôi thì sao? Liệu có thể có số phận nào hãi hùng hơn thế nữa đặt ra trước mặt tôi và liệu có án phạt nào nghiêm trọng hơn thế nữa cho cuộc sống bê tha và cuồng loạn mà tôi đang nhận ra trong bản thân mình không?
Vừa đọc hết từ đầu tới cuối mẫu xét mình mà vị linh mục đưa cho, con hãi hùng tự nhủ:
- Trời ơi! Bên trong mình ẩn kín những tội lỗi kinh khiếp như thế này, vậy mà cho tới bây giờ, mình chưa lúc nào để ý tới chúng!
Khát vọng rửa sạch các tội lỗi ấy khiến con van nài vị cha tinh thần cao cả ấy dạy cho con làm cách nào biết nguyên cớ của mọi sự dữ này và chữa trị chúng bằng cách nào. Và ông bắt đầu dạy bảo con như sau:
"Bạn thấy đó, người anh em thân mến, nguyên cớ của việc không yêu thương Thiên Chúa là sự thiếu tin tưởng; nguyên cớ của sự thiếu tin tưởng là sự thiếu xác tín; và nguyên cớ của sự thiếu xác tín là không bỏ công bỏ sức tìm kiếm sự am hiểu chân chính và thánh thiện và lòng thờ ơ đối với ánh sáng tâm linh. Tóm lại, nếu bạn không tin tưởng thì bạn không thể yêu thương; nếu bạn không xác tín thì bạn không thể tin tưởng; và để đạt tới sự xác tín, bạn phải có sự am hiểu chân chính và đầy đủ về vấn đề trước mặt mình. Bằng chiêm nghiệm, bằng học hỏi Lời Thiên Chúa và bằng sự chú ý vào các nếm trải của mình, chắc chắn bạn làm phát sinh trong linh hồn mình sự khao khát và lòng ao ước - hoặc như có người gọi nó là 'sự kinh ngạc' - cái mang tới cho bạn nỗi thèm khát khôn nguôi làm sao được biết một cách tường tận hơn và đầy đủ hơn vào bản tính của chúng.
"Một nhà văn tâm linh diễn tả điều đó theo cách nói như thế này:
- Tình yêu thường gia tăng theo với sự am hiểu. Càng am hiểu sâu xa chừng nào thì càng yêu thương nhiều chừng nấy và càng dễ cho con tim đằm thắm ngoan ngoãn mở ra cho tình yêu Thiên Chúa khi nó đăm đăm và cần cù nhìn vào sự vô cùng toàn mãn và vẻ đẹp của bản tính thiêng liêng và tình yêu thương vô hạn của Ngài dành cho loài người.
"Vậy lúc này bạn thấy rằng những nguyên cớ của tội lỗi mà bạn vừa đọc chúng đó, là sự lười biếng trong việc suy nghĩ về các vấn đề tâm linh, lười biếng làm ngột ngạt cái cảm xúc về nhu cầu tư duy như thế. Nếu bạn muốn biết bằng cách nào để khắc phục sự dữ đó thì với mọi phương thế nội trong sức mạnh của mình, bạn hãy phấn đấu cho sự giác ngộ tâm linh, đạt tới sự giác ngộ tinh thần đó bằng việc chuyên cần học hỏi Lời Thiên Chúa và lời của các Giáo phụ thánh thiện, qua sự giúp đỡ của chiêm nghiệm và những giảng dạy có tính cách tâm linh và đàm đạo với những người khôn ngoan trong Đức Kitô.
"A! người anh em thân mến, chỉ vì chúng ta lười biếng trong việc tìm kiếm ánh sáng cho linh hồn mình qua lời chân lý mà chúng ta đã gặp biết bao tai ương. Chúng ta không ngày đêm học hỏi lề luật của Thiên Chúa và chúng ta cũng không cầu nguyện cho việc đó một cách chuyên cần và không ngừng. Và vì thế con người bên trong của chúng ta đói khát nguội lạnh, tới độ nó không có sức mạnh để đặt bước chân dũng cảm đăng trình trên con đường ngay lành và cứu rỗi!
"Và vì vậy, hỡi người anh em yêu quí, chúng ta hãy giải quyết để làm quen với những phương pháp này và để hết sức thường xuyên làm cho tâm trí mình tràn đầy các ý nghĩ về những điều siêu phàm; và tình yêu trên cao tuôn xuống bên trong chúng ta sẽ bùng lên thành ngọn đuốc nội tâm của chúng ta. Chúng ta sẽ cùng nhau làm điều đó và cầu nguyện hết sức thường xuyên có thể được, vì cầu nguyện là phương thế chính yếu và mạnh mẽ nhất cho sự đổi mới và hạnh phúc của bản thân ta. Chúng ta sẽ cầu nguyện theo những lời hội thánh đã dạy, trích từ lời cầu nguyện thứ tám trong những bài kinh nguyện ban mai trong sách kinh giáo hữu của Giáo hội Nga: 'Ôi lạy Chúa, xin hãy làm cho con lúc này xứng đáng với tình yêu của Chúa, vì trước đây, con yêu thương các tội lỗi."
Con chăm chú lắng nghe hết thảy những lời vị linh mục ấy nói. Lòng cảm động sâu xa, con xin vị Cha thánh thiện ấy nghe con xưng tội và cho con rước lễ. Và như thế, sáng hôm sau, sau khi được vinh dự rước lễ, con sửa soạn lên đường trở lại Kiev với của ăn đàng đầy ơn sủng đó. Nhưng vị linh mục tốt lành ấy của con đang chuẩn bị đi tới đại đan viện Lavra của ông trong đôi ba ngày, nên ông giữ con lại trong căn buồng tu khổ hạnh của ông, để với sự tịch lặng của nó, con có thể dâng mình cầu nguyện mà không gặp chướng ngại.
Và quả thật, con trải qua hai ngày trong căn buồng đó như thể đang ở trên thiên đàng. Với những lời cầu nguyện của tôn sư, con, một kẻ bất xứng, được vui hưởng sự bình an trọn vẹn. Lời cầu nguyện ấy tuôn trào trong trái tim con, ung dung quá và sung sướng quá tới độ trong suốt thời gian đó, con thấy mình quên hết mọi sự và quên cả bản thân. Tâm trí con chan chứa Đức Giêsu Kitô, và chỉ một mình Ngài thôi.
Cuối cùng, vị linh mục trở về. Con xin ông cho con lời hướng dẫn và lời khuyên bảo rằng lúc này, trên đường hành hương, con nên đi đâu? Ông ban phép lành cho con và nói lời này:
- Bạn hãy đi Đài Đức Mẹ Pochaev, ở đó, bạn bày tỏ lòng tôn kính của mình trước dấu chân kỳ diệu và cứu chữa của Mẹ Thiên Chúa Cực Tinh Tuyền và Mẹ sẽ hướng dẫn bước chân của bạn vào nẻo bình an."
Như vậy, con theo lời khuyên ấy, và trong đức tin, ba ngày sau con lên đường đi Pochaev.
Suốt đoạn đường trên hai trăm cây số, con đi mà không thích thú lắm vì con đường chạy ngang các quán rượu và các làng mạc của người Do thái. Hiếm khi con đi ngang một khu dân cư Kitô giáo. Tại một trang trại duy nhất, con để ý thấy có quán trọ của một Kitô hữu người Nga và con rất vui mừng. Con quay bước đi tới quán trọ để xin qua đêm tại đó và để xin một ít bánh mì cho chuyến đi của mình vì thực phẩm của con sắp cạn. Tại đó, con thấy chủ quán, một ông lão có vẻ giàu có và con được biết cũng là người cùng quê quán với con, tỉnh Orlowsky. Con đi ngay vô phòng của ông. Câu đầu tiên ông hỏi là:
- Anh theo đạo nào?
Con trả lời rằng con là một Kitô hữu, theo Chính thống giáo, một pravoslavny.
Ông vừa nói vừa cười:
"Ối dào Chính thống giáo. Người Chính thống giáo các anh chỉ giữ đạo ngoài miệng - trong hành động, các anh là người ngoại đạo. Người anh em ạ, ta biết hết về cái đạo của anh. Đã có lần một vị linh mục thông thái dụ dỗ ta và ta đã thử nó. Ta gia nhập giáo hội của anh và ở với giáo hội ấy trong sáu tháng. Sau đó, ta lại quay về với lối sống đoàn thể của chúng ta. Tham gia giáo hội của anh chỉ là một cạm bẫy. Người ta lầm bầm đọc kinh đọc nguyện như thế nào cũng được, với những lời nghe không ra và những cái ta cũng hiểu không ra. Còn việc hát hỏng thì không hay ho gì hơn trong một tiệm rượu. Và người ta đứng thành một đống lộn xộn, đàn ông đàn bà lẫn lộn lung tung; trong khi làm lễ thì họ xoay ngang ngó dọc, đi tới đi lui, không để cho ta yên ổn và bình tĩnh nói lên lời cầu nguyện của mình. Anh gọi cái loại thờ phượng đó là thứ gì? Nó chỉ là tội lỗi thôi! Còn lúc này, đối với chúng tôi, buổi phụng vụ sốt sắng vô ngần. Anh có thể nghe được người ta đang đọc lời gì, không cái gì mà không nghe ra.
Việc hát lễ thì hết sức cảm động. Và người ta đứng yên tĩnh, đàn ông theo đàn ông, đàn bà theo đàn bà. Ai nấy đều biết cái gì tôn kính và lúc nào thì tỏ lòng tôn kính, đúng như hội thánh đã dạy. Thật đúng y như vậy đó, khi anh vào một nhà thờ của chúng tôi, anh cảm thấy mình đang tới nơi thờ phượng Thiên Chúa; còn nơi nhà thờ của các anh thì anh không thể tưởng tượng là mình đang bước vô cái gì - không biết mình đang vô nhà thờ hay tới nơi chợ búa!
Bằng vào tất cả những lời lẽ ấy, con thấy rằng ông lão là một người bảo thủ tới cùng, một raskolnik. Nhưng ông nói có vẻ rất hợp lý, con không thể tranh luận với ông, cũng không thể làm cho ông trở lại. Con nghĩ thầm rằng không thể nào làm các tín đồ bảo thủ cải giáo sang giáo hội chân chính, cho tới khi nào giữa chúng ta, các việc phụng vụ của giáo hội được sắp xếp hợp lý và cho tới khi nào giáo sĩ làm gương mẫu cách riêng trong việc đó. Các tín đồ raskolnik không biết chút gì về cuộc sống nội tâm. Họ đặt căn bản trên những hình thức bên ngoài, còn chúng ta thì cẩu thả về những cái đó.
|