Chuyện Người Hành Hương (17)
Nguyên tác: Một Kitô hữu Nga
Biên dịch: Nguyễn Ước
VỀ SỨC MẠNH CỦA CẦU NGUYỆN
Cầu nguyện rất có sức mạnh và rất quyền năng, tới độ "Hãy cầu nguyện và làm điều ngươi muốn." Cầu nguyện sẽ dẫn bạn tới hành động công chính và chính đáng. Để làm vui lòng Thiên Chúa thì không gì thiết yếu hơn cầu nguyện. "Hãy yêu và làm điều ngươi muốn," Thánh Augustinô đã nói như vậy. "Vì người yêu thương chân chính thì không muốn làm điều gì không vui lòng người mình yêu." "Hãy cầu nguyện và làm điều ngươi muốn," và bạn sẽ với tới mục tiêu của cầu nguyện. Qua cầu nguyện, bạn sẽ tới giác ngộ.
Đề rút tỉa sự hiểu biết của chúng ta về vấn đề này một cách chi tiết hơn, chúng ta hãy nêu lên vài thí dụ.
(1) "Hãy cầu nguyện và suy nghĩ điều ngươi muốn." Các ý nghĩ của bạn được làm cho tinh khiết hơn nhờ cầu nguyện. Cầu nguyện sẽ cho bạn sự giác ngộ của tâm trí; nó sẽ dẹp bỏ và xua đuổi hết thảy những ý nghĩ sai trái. Điều này được Thánh Grêgôriô Núi Xinai xác nhận. Nếu bạn muốn xua đuổi các ý nghĩ và làm tinh khiết tâm trí thì lời khuyên bảo của ông là: "Hãy xua đuổi chúng bằng cầu nguyện." Vì không có gì có thể kiểm soát các ý nghĩ cho bằng cầu nguyện. Thánh Gioan Cái thang cũng đã nói về việc ấy rằng: "Hãy khắc phục các kẻ thù trong tâm trí bạn bằng tên Đức Giêsu. Ngoài vũ khí đó ra, bạn sẽ không tìm thấy vũ khí nào nữa."
(2) "Hãy cầu nguyện và làm điều ngươi muốn." Các hành động của bạn sẽ làm vui lòng Thiên Chúa, sinh ích và tốt lành cho bạn. Cầu nguyện thường xuyên, bất kể lúc nào, thì bao giờ cũng sinh hoa kết quả, vì trong nó có sức mạnh của ơn sủng. "Vì hết thảy những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được ơn cứu độ" (Công Vụ 2:21). Thí dụ một người cầu nguyện không kết quả và không sốt sắng thì qua việc cầu nguyện tên Đức Giêsu sẽ được ban cho sự am hiểu rõ ràng và lời kêu gọi thống hối. Một thiếu nữ đam mê khoái lạc ân ái mà cầu nguyện trên đường về nhà thì lời cầu nguyện ấy cho cô thấy con đường dẫn tới cuộc sống trong trắng và tuân phục lời giảng dạy của Đức Giêsu Kitô.
(3) "Hãy cầu nguyện và đừng dày công tốn sức khắc phục các ham muốn bằng sức mạnh của chính mình." Cầu nguyện sẽ tiêu diệt trong bạn những ham nuốn đó. Kinh Thánh đã nói: "Vì Đấng ở trong anh em mạnh hơn kẻ ở trong thế gian" (1 Gioan 4:4). Và Thánh Gioan Karpathisky dạy rằng nếu bạn không có được tặng phẩm về khả năng tự mình kiểm soát bản thân thì bạn chớ lấy làm chán nản, nhưng hãy biết rằng Thiên Chúa đòi hỏi bạn siêng năng cầu nguyện, và cầu nguyện sẽ cứu bạn. Vị tôn sư mà chúng ta cho biết, trong cuốn "Otechnik, Hạnh Các Giáo Phụ" là một trường hợp điển hình. Khi ông sa ngã phạm tội thì ông không chán nản thất vọng mà ông dấn mình sâu hơn vào việc cầu nguyện, và nhờ thế, lấy lại được sự thăng bằng của mình.
(4) "Hãy cầu nguyện và đừng sợ gì cả." Đừng sợ rủi ro, đừng sợ tai ương. Cầu nguyện sẽ bảo vệ bạn và ngăn ngừa chúng. Bạn hãy nhớ lại Thánh Phêrô với đức tin ít ỏi và sự sa ngã của ông; Thánh Phaolô cầu nguyện trong nhà tù; vị tu sĩ đã được cầu nguyện giải thoát khỏi mọi sự tấn công của cám dỗ; cô gái được cứu khỏi ý định độc dữ của tên lính nhờ kết quả của cầu nguyện; và trong những trường hợp tương tự, tỏ rõ sức mạnh và quyền năng, cái là tính chất chung của lời cầu nguyện gọi tên Đức Giêsu Kitô.
(5) Hãy cầu nguyện bằng cách này hoặc cách nọ, đặc biệt lúc nào cũng cầu nguyện và không để cho mình bị quấy rầy bởi bất cứ cái gì. Hãy vui tươi trong tâm trí và bằng an. Cầu nguyện sẽ sửa soạn cho bạn mọi sự và dạy bảo bạn. Bạn hãy nhớ lời các vị thánh - Thánh Gioan Kim khẩu và Thánh Máccô Nhà lực sĩ tinh thần - nói về sức mạnh của cầu nguyện. Vị thứ nhất tuyên bố rằng lời cầu nguyện, dù được dâng lên bởi chúng ta là những người tội lỗi, vẫn tẩy sạch chúng ta lập tức. Vị thứ hai nói rằng: "Việc cầu nguyện bằng cách này hay cách khác thì nằm nội trong sức mạnh của chúng ta, nhưng cầu nguyện một cách thuần khiết là tặng phẩm ơn sủng." Như thế, hãy dâng lên Thiên Chúa cái mà bạn có thể dâng lên nội trong sức mạnh của mình. Đầu tiên hãy chỉ mang tới Ngài số lượng thôi (cái nội trong sức mạnh của bạn), và Thiên Chúa sẽ tuôn tràn sức mạnh lên trên sự yếu đuối của bạn. "Ban đầu, cầu nguyện có thể là khô khan và xao lãng nhưng nếu liên tục thì sẽ lập nên bản tính thứ hai và tự chuyển nó thành sự cầu nguyện thuần khi ết, chói lọi, rực sáng và thích đáng."
(6) Sau cùng, cần chú ý rằng nếu thời gian để tâm để ý của bạn trong việc cầu nguyện mà kéo dài thì lúc đó, tự nhiên bạn sẽ không có thừa thời gian để phạm tội hoặc để nghĩ tới các hành động phạm tội nữa.
Tới đây, chắc bạn đã thấy rõ những ý tưởng sâu sắc được tập trung trong châm ngôn khôn ngoan: "Hãy yêu và làm điều bạn muốn"; "Hãy cầu nguyện và làm điều bạn muốn". Những lời ấy chứa đựng sự an ủi và khuây khỏa biết bao cho người tội lỗi bị chìm đắm bởi sự yếu đuối của mình, đang kêu than dưới gánh nặng của những ham muốn đầy xung khắc.
Trong cầu nguyện bạn có cái toàn bộ được ban cho chúng ta như một phương thế vạn năng để được cứu rỗi và để linh hồn mình tiến tới sự hoàn hảo. Đúng như thế. Tuy vậy, việc cầu nguyện ấy được khẳng định thêm một điều kiện. Hãy cầu nguyện không ngừng là mệnh lệnh của Lời Thiên Chúa. Hậu quả là việc cầu nguyện phô bày hoa quả và sức mạnh tác động nhất khi nó được dâng lên thường xuyên và không ngừng; và rõ ràng sự thường xuyên cầu nguyện thì tùy thuộc vào ý muốn của chúng ta; cũng như sự thuần khiết, sốt sắng và hoàn hảo trong cầu nguyện là tặng phẩm của ơn sủng.
Và như thế chúng ta sẽ cầu nguyện hết sức thường xuyên có thể được. Chúng ta sẽ hiến dâng tất cả cuộc đời mình để cầu nguyện, dù lúc bắt đầu chưa thể tập trung chú ý vào việc cầu nguyện. Việc thường xuyên thực hành cầu nguyện sẽ dạy cho chúng ta sự chú ý. Chắc chắn số lượng của chúng ta sẽ dẫn tới chất lượng. Một nhà văn tâm linh đã nói: "Nếu bạn muốn học làm thành thạo một cái gì đó thì bạn phải làm cái đó hết sức thường xuyên có thể được."
Ông giáo sư: Quả thật cầu nguyện là một vấn đề rất lớn lao, và sự thường xuyên sốt sắng cầu nguyện là chìa khóa mở ra kho tàng ơn sủng của nó. Nhưng con thường hay thấy trong bản thân con sự đối chọi giữ nhiệt thành và uể oải. Thật sung sướng cho con biết mấy nếu con tìm được cách khắc phục nó, làm cho mình tin tưởng và tự mình làm dấy lên việc liên tục thực hành cầu nguyện.
Đan sĩ khổ tu: Nhiều nhà văn tâm linh đưa ra một số cách thức dựa trên lập luận có cơ sở, để kích thích sự chuyên cần cầu nguyện. Thí dụ như sau:
(1) họ khuyên bạn để tâm trí mình miệt mài trong các ý nghĩ về sự thiết yếu, sự tuyệt vời và hoa quả của cầu nguyện dành cho sự cứu rỗi linh hồn;
(2) bạn hãy làm cho mình tin tưởng vững chắc rằng Thiên Chúa tuyệt đối đòi hỏi sự cầu nguyện của chúng ta và rằng Lời Thiên Chúa truyền lệnh chúng ta cầu nguyện ở mọi nơi;
(3) bạn hãy luôn ghi nhớ rằng nếu bạn uể oải và thờ ơ việc cầu nguyện thì bạn không thể đạt tiến bộ trong hành động hiến thân, bạn cũng không với tới được sự bằng an và cứu rỗi, và do đó, bạn không tránh khỏi việc chịu hình phạt nơi trần thế lẫn sự khốn khổ trong cuộc sống đời sau; và
(4) bạn hãy làm cho quyết tâm của mình thêm hào hứng bằng gương mẫu các vị thánh đã đạt tới thánh thiện và cứu rỗi qua việc cầu nguyện không ngừng.
Dù hết thảy những cách thức ấy đều có giá trị của chúng và phát sinh từ sự am hiểu chân chính, nhưng một linh hồn ham muốn khoái lạc ái tình thì bệnh hoạn với lòng thờ ơ, dù nó có chấp nhận và dùng những cách thức ấy thì vẫn hiếm khi thấy được những thành quả của chúng vì lý do này: những phương thuốc ấy thì đắng đối với một vị giác bị hư hoại và quá yếu cho một bản tính bị thương tổn sâu xa. Vì người Kitô hữu ấy không biết rằng mình phải cầu nguyện thường xuyên và siêng năng, rằng Thiên Chúa đòi hỏi mình cầu nguyện, rằng chúng ta bị trừng phạt vì uể oải trong lúc cầu nguyện, và rằng hết thảy các vị thánh đều cầu nguyện sốt sắng và liên tục. Nếu làm ngược lại thì tất cả am hiểu ấy rất hiếm khi tỏ ra cho thấy kết quả tốt.
Những ai quan sát bản thân đều thấy rằng mình chỉ ít ỏi và họa hiếm chứng minh được những thúc đẩy của lý trí và lương tâm và đôi khi hồi tưởng tới chúng thì thấy mình lúc nào cũng sống một lối sống tệ hại và biếng trễ. Và vì thế, các Giáo phụ thánh thiện - trong kinh nghiệm và sự khôn ngoan sùng tín, trong hiểu biết sự yếu đuối của ý chí và lòng ham muốn quá độ khoái lạc trong tâm hồn của con người - đã lập ra một phương cách đặc biệt cho nó, và về mặt này, các vị đã trộn mứt với thuốc bột, lấy mật bôi lên mép ly đựng thuốc. Các vị đã bày ra cho thấy một phương cách dễ dàng nhất và hiệu quả nhất để đánh tan uể oải và thờ ơ trong cầu nguyện, với niềm hy vọng vào sự giúp đỡ của Thiên Chúa để qua cầu nguyện đạt tới hoàn hảo và niềm hy vọng ngọt ngào tình yêu Thiên Chúa.
Các Giáo phụ khuyên bảo chúng ta chiêm nghiệm hết sức thường xuyên có thể được về trạng thái của linh hồn mình và lưu tâm đọc những gì các vị đã viết về chủ đề cầu nguyện. Các vị đưa ra sự bảo đảm đầy khích lệ rằng trong cầu nguyện, có thể ung dung đạt tới một cách dễ dàng những cảm xúc hân hoan nội tâm và đồng thời, nói rằng chúng đáng cho ta khao khát biết ngần nào. Thành tâm vui sướng, chan chứa ấm cúng và sự sáng nội tâm, nồng nàn không nói nên lời, hân hoan, con tim nhẹ nhàng, bình an sâu xa, và cái rất có thật của ơn lành và sự hài lòng tràn trề hạnh phúc, hết thảy những cái đó đều là hoa trái của việc cầu nguyện trong lòng. Qua việc chìm đắm bản thân trong những suy đi nghĩ lại như thế về những cái đó, một linh hồn yếu đuối lạnh lẽo được nhóm lên ngọn lửa và làm bùng mạnh thêm. Linh hồn ấy đượïc khích lệ bởi sự nhiệt thành cầu nguyện và có thể nói, được quyến dụ để thực hành cầu nguyện. Như Thánh Isaác Xứ Xyri đã nói:
- Hân hoan là nỗi quyến rũ đối với linh hồn đó, hân hoan cũng là kết quả của niềm hy vọng đang đâm chồi nảy lộc trong tâm hồn đó, và chiêm nghiệm về niềm hy vọng của nó là hạnh phúc của con tim ấy.
Vị thánh đó còn tiếp tục:
- Ngay ở chỗ bắt đầu của hoạt động này và đúng ở chỗ kết thúc nó, được giả định có một loại phương pháp nhất định và một loại hy vọng nhất định cho sự hoàn thành nó, và cả hai cái đó đều nâng cao tâm trí để đặt nền tảng cho công cuộc ấy, và từ việc nhìn tới mục tiêu của nó, tâm trí tạm thời nhận được niềm an ủi trong khi lao nhọc vươn tới nó.
Cũng một cách như thế, Thánh Isikhi sau khi mô tả sự uể oải là trở lực cho việc cầu nguyện và dọn sạch những quan niệm sai lầm về việc phục hồi sự sốt sắng cho nó, cuối cùng đã nói ngay rằng:
- Nếu chúng ta không sẵn sàng khao khát sự tĩnh lặng của tâm hồn vì bất cứ lý do nào khác, thì hãy để yên cảm giác hân hoan nó trong linh hồn và sự thích thú mà nó mang lại.
Tiếp theo câu nói đó, vị Giáo phụ ấy lấy cảm giác hân hoan thú vị làm cái cổ võ việc siêng năng cầu nguyện. Và cũng một cách thức như thế, Thánh Macariốt Cả dạy rằng những nỗ lực tâm linh của chúng ta (là cầu nguyện) nên được tiến hành với mục đích và trong niềm hy vọng sinh hoa kết trái - nghĩa là sự hân hoan trong tâm hồn của chúng ta. Có thể tìm thấy những thí dụ rõ ràng về sự hiệu nghiệm của phương pháp này trong nhiều đoạn của cuốn Philôkalia, bao gồm những diễn tả chi tiết về các vui sướng khi cầu nguyện. Một người đang phấn đấu chống trả tính yếu đuối uể oải hoặc khô khan trong cầu nguyện thì cần đọc lui đọc tới những đoạn ấy một cách hết sức thường xuyên có thể được, tuy thế, trong khi ấy, cần luôn luôn tự đánh giá là mình không xứng đáng với những hân hoan ấy và luôn luôn khiển trách là mình xao lãng trong việc cầu nguyện.
Linh mục khách: Phải chăng sự chiêm nghiệm như thế sẽ dẫn kẻ thiếu kinh nghiệm tới việc ham muốn khoái lạc tinh thần, như các nhà thần học gọi khuynh hướng đó của linh hồn là tham lam sự an ủi thái quá và sự ngọt ngào của ơn sủng, và phải chăng sự hài lòng thành toàn công cuộc tận hiến không xuất phát từ cảm giác ràng buộc và bổn phận mà không có việc mơ màng tới phần thưởng?
Ông giáo sư: Trong trường hợp này, con nghĩ rằng các nhà thần học ấy cảnh cáo chúng ta chống lại sự quá độ hoặc tham lam hạnh phúc tinh thần, và không hoàn toàn bác bỏ sự hân hoan và an ủi trong đức hạnh. Và nếu khao khát phần thưởng là một khuyết điểm thì Thiên Chúa đã cấm chúng ta nghĩ tới phần thưởng và sự an ủi. Chính Ngài còn dùng tới ý tưởng phần thưởng để khích lệ con người thực hiện các giới răn của Ngài và đạt tới sự hoàn hảo. "Hãy tôn kính cha ngươi và mẹ ngươi." Đó là giới răn, và ta thấy kế đó là phần thưởng như một khích lệ cho sự thành toàn giới răn đó, "hầu cho ngày đời của ngươi có thể được kéo dài trên đất mà Thiên Chúa ban cho ngươi." "Nếu ngươi muốn được hoàn hảo, hãy đi, hãy bán tất cả những gì ngươi có, rồi tới đây theo Ta," đó là yêu cầu để được hoàn hảo. "Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa. Ngày đó anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây, phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao" (Luca 8:22). Đó là phần thưởng vĩ đại cho sự thành tựu tâm linh, cái vốn cần sức mạnh phi thường của linh hồn và sự nhẫn nại không lay chuyển. Và vì thế nên mới có phần thưởng và sự ủi an lớn lao, cái có khả năng làm phát sinh và duy trì sức mạnh phi thường của linh hồn. "Vì này đây phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao." Vì lý do đó, con nghĩ rằng một sự khát khao nào đó về nỗi hân hoan trong cầu nguyện thì lập nên trong nó phương thế để đạt được cả chuyên cần lẫn kết quả. Và như thế, tất cả những cái đó, rõ ràng là để hỗ trợ cho lời giảng thực tế về vấn đề mà chúng ta vừa nghe cha đan sĩ khổ tu đọc lên.
Đan sĩ khổ tu: Một trong những nhà thần học vĩ đại nhất - nói cách khác, Thánh Macariốt xứ Ai cập đã nói về vấn đề ấy bằng lối nói rõ ràng nhất có thể được. Ông nói rằng:
- Ngay khi bạn trồng nho thì bạn đã dành ý nghĩ và sức lao động của mình cho mục đích hái nho. Và nếu bạn không hái nho, thì tất cả sức lao động của bạn sẽ vô ích. Trong cầu nguyện cũng vậy, nếu bạn không tìm kiếm hoa quả tinh thần - nghĩa là, yêu thương, bình an, hân hoan và nghỉ ngơi - thì sự lao nhọc của bạn sẽ vô ích. Và do đó, chúng ta phải thành toàn các nghĩa vụ tinh thần (cầu nguyện) với mục đích và hy vọng hái quả - nói cách khác, sự an ủi và hân hoan trong tâm hồn của chúng ta.
Thưa cha, cha có thấy vị Giáo phụ thánh thiện ấy trả lời rõ ràng biết bao câu hỏi về nhu cầu hân hoan trong cầu nguyện? Và quả thật, tâm trí con vừa xuất hiện một quan điểm mà con đã đọc cách đây không lâu của một nhà văn viết về các vấn đề tâm linh khi ông bàn về vấn đề hiệu quả này, rằng: đối với con người, tính tự nhiên của cầu nguyện là nguyên cớ chủ yếu của sở thích hướng về cầu nguyện. Như thế, theo ý kiến của con, có thể dùng sự khảo sát về tính tự nhiên này như một phương pháp hiệu nghiệm nhằm làm phát sinh sự siêng năng trong cầu nguyện, cái phương pháp mà người bạn giáo sư đây đang muốn tìm.
Lúc này, con xin tóm tắt vài điểm mà con đã chú ý và rút tỉa từ trong sổ tay. Thí dụ, một nhà văn tâm linh nói rằng, lý trí và bản tính đưa con người tới sự hiểu biết Thiên Chúa. Những thẩm tra đầu tiên cho thấy một thực tế là không thể có hành động không căn nguyên, và việc leo lên chiếc thang của những cái có thể sờ mó được, từ thấp lên cao, thì sau cùng với tới Đệ Nhất Căn Nguyên, là Thiên Chúa. Những thẩm tra thứ hai phô bày ở mỗi nấc thang cái trí tuệ siêu phàm của nó, hài hòa, trật tự, sự phát triển từng bước, đưa ra chất liệu căn bản cho chiếc thang đó, cái dẫn từ những căn nguyên hữu hạn tới vô hạn. Như thế, con người tự nhiên vươn tới sự hiểu biết Thiên Chúa một cách tự nhiên. Sự hiểu biết đó đưa tới kết quả là một người sống trên một hòn đảo hoang vu nhất và không có sự thôi thúc nào từ bên ngoài, có thể nói là người ấy, một cách không chủ tâm, đưa mắt nhìn đăm đăm lên trời rồi quì gối xuống, thở ra một hơi dài mà mình không hiểu nhưng có thể thấy đó là cần thiết, và có cảm giác trực tiếp rằng có cái gì đó đang kéo mình hướng thượng, cái gì đó thúc giục mình vươn tới cái mình không biết. Từ nền tảng đó phát sinh mọi tôn giáo tự nhiên. Và trong sự liên hệ ấy, có điều rất đáng chú ý là, cốt tủy hoặc linh hồn của mọi tôn giáo nói chung đều cốt ở trong việc cầu nguyện thầm kín, cái tự nó biểu lộ trong hình thức chuyển động nào đó của thần khí, và cái đó rõ ràng là một hiến tế, dù đã bị méo mó ít nhiều bởi sự hiểu biết mê lầm có tính cách thô sơ và hoang dã của dân ngoại.
Sự kiện ấy càng đáng kinh ngạc chừng nào trong con mắt của lý trí thì yêu cầu đặt ra cho chúng ta càng lớn lao chừng nấy là phải khám phá căn nguyên sâu kín của cái kỳ diệu ấy, cái tìm thấy sự diễn tả bằng chuyển động tự nhiên hướng tới cầu nguyện. Về mặt tâm lý, tìm câu trả lời cho vấn đề ấy không là điều khó khăn. Gốc rễ, đầu ngọn và sức mạnh của tât cả các đam mê và hành động trong con người là sự yêu mình, có tính cách bẩm sinh. Ý tưởng ăn sâu và phổ biến của bản năng tự bảo toàn đã xác nhận rõ ràng điều đó. Mọi ý nguyện của con người, mọi dự tính, mọi hành động đều có mục đích của chúng là làm mãn nguyện sự tự yêu mình, tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình. Sự mãn nguyện nhu cầu đó đi theo con người tự nhiên trong suốt cuộc đời nó. Nhưng tinh thần của con người không mãn nguyện với bất cứ cái gì lệ thuộc vào giác quan; và sự yêu mình bẩm sinh đó không bao giờ làm nguôi ngoai được những thúc bách của tinh thần. Và như thế, khát vọng ấy càng lúc càng phát triển, nỗ lực đạt tới hạnh phúc càng lúc càng gia tăng mạnh mẽ, làm đầy tràn trí tưởng tượng và khuyến khích các cảm xúc hướng tới một cứu cánh giống nhau.
Sự tràn ngập cảm xúc nội tâm và khát vọng này khi nó triển khai là sự khuấy động tự nhiên việc cầu nguyện. Nó là một đòi hỏi của sự tự yêu mình, một đòi hỏi rất khó đạt tới mục đích. Con người tự nhiên càng không đạt được hạnh phúc thì trong mắt nó nỗi khát khao càng lúc càng gia tăng, và nó lại càng tìm phương thế để mãn nguyện bằng cầu nguyện. Trong thỉnh cầu cho cái mà mình khao khát, con người đưa hết bản thân mình cho cái căn nguyên không biết ấy của toàn bộ hiện hữu. Vậy trong con người tự nhiên, chính sự tự yêu mình bẩm sinh ấy, cái thành tố chủ yếu trong cuộc sống ấy, là sự kích thích ngấm ngầm để cầu nguyện. Đấng tạo hóa toàn trí của vạn vật đã làm con người tự nhiên ấy tràn trề khả năng tự yêu mình - nói theo diễn tả của các Giáo phụ - một cách chính xác, là như một "quyến dụ", cái sẽ kéo con người sa ngã hướng thượng chạm tới những gì trên trời. Ôi! Nếu con người không làm hư hoại khả năng ấy, nếu nó giữ tuyệt hảo khả năng ấy của mình, trong quan hệ với tính chất tâm linh của nó! Lúc đó con người hẳn sở hữu động cơ mạnh mẽ và phương thế hiệu nghiệm để mang nó đi trên con đường dẫn tới sự hoàn hảo đức hạnh. Nhưng hỡi ơi! con người lại thường hay biến khả năng cao nhã ấy thành một đam mê căn bản của sự tự yêu mình khi chuyển khả năng đó thành một khí cụ thuộc về tính chất sinh vật của mình.
Cha linh hướng: Xin hết lòng cám ơn các anh em, những vị khách thân mến của tôi. Qua những nếm trải hôm nay của mình, tôi được an ủi sâu xa và học hỏi được nhiều điều lợi lộc từ cuộc đàm đạo sinh ích này. Nguyện xin Thiên Chúa ban ơn sủng của Ngài để đền đáp tình yêu thương đầy khai trí của anh em.
(Tất cả chia tay)
|